Nâng cao văn hóa đọc trong cán bộ, chiến sỹ

757
Đánh giá bài viết

Với những tiện ích của công nghệ thông tin đã trở thành xu hướng chủ đạo, chiếm lĩnh trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, các văn bản, sách, báo giấy vẫn có chỗ đứng riêng trong dòng chảy của thời đại.

Đặc biệt, với mỗi cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Quảng Bình, để đấu tranh hiệu quả với hoạt động của các hệ loại đối tượng và phục vụ tốt cho công tác tham mưu, công tác xây dựng lực lượng, hậu cần – kỹ thuật đòi hỏi phải không ngừng học tập, tìm tòi nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn, pháp luật, nghiệp vụ và con đường tiếp cận ngắn nhất chính là đọc sách, báo, tạp chí.

Khi nghiên cứu, đọc những cuốn sách, những bài báo khoa học hoặc tạp chí nghiệp vụ của ngành, mỗi CBCS có thể tìm thấy sự thư giãn, giảm bớt căng thẳng, áp lực công việc và bổ sung thêm kiến thức về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ… đó ngày càng phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn của mình.

Mỗi CBCS cần nhận thức ý nghĩa to lớn của việc đọc sách đối với sự phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách của người chiến sĩ CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.

Nhận thức rõ vai trò, vị trí, ý nghĩa to lớn của việc đọc sách, thời gian qua Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh và cấp ủy, chỉ huy công an các đơn vị, địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả văn hóa đọc trong Công an tỉnh và tại mỗi đơn vị, địa phương.

Đặc biệt, hưởng ứng ngày “Sách và Văn hóa đọc năm 2023”, Thư viện Công an tỉnh đã chính thức mở cửa trở lại với không gian thoáng đãng, xanh mát cùng trên 500 đầu sách, báo, tài liệu, tạp chí phục vụ nhu cầu đọc sách và nghiên cứu tài liệu của CBCS. Ngoài ra, trên 250 đầu sách với gần 3000 bản cũng đã được Phòng Công tác đảng và công tác chính trị tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh phân bổ về Công an các huyện, thị xã thành phố nhằm phát triển tủ sách pháp luật và phục vụ công tác nghiên cứu tài liệu tại địa bàn cơ sở.

CBCS đọc sách tại Thư viện Công an tỉnh

Rất nhiều hoạt động thiết thực, nhiều mô hình, cách làm hay cũng đã được Công an các đơn vị, địa phương, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ Công an tỉnh tổ chức thành công như: Mô hình “Vùng biên yêu thương” với chương trình “Sách đến với vùng biên” và “Tủ sách pháp luật cho Công an xã” của Hội phụ nữ Phòng Công tác Đảng và Công tác Chính trị;  Mô hình “Tủ sách pháp luật” của đơn vị Phòng Tham mưu Công an tỉnh, phong trào “Đọc báo buổi sáng”… được triển khai ở công an các đơn vị, địa phương đã khơi dậy và lan tỏa tình yêu với sách, với văn hóa đọc đến tất cả cán bộ, chiến sĩ.

Mô hình “Vùng biên yêu thương” với chương trình “Sách đến với vùng biên” và “Tủ sách pháp luật cho Công an xã” của Hội phụ nữ Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị.

Tủ sách pháp luật ở Công an các đơn vị, địa phương.

Bên cạnh đó, hưởng ứng các cuộc phát động và các cuộc thi do Bộ Công an, và các bộ, ban ngành tổ chức, CBCS Công an tỉnh, đặc biệt là lực lượng đoàn viên thanh niên đã tích cực tham gia, tích cực nghiên cứu sách báo, tạp chí thu lượm thông tin, hình ảnh để có các phóng sự, bài thi đạt chất lượng, hiệu quả cao như: Cuộc thi đại sứ văn hóa đọc trong CAND năm 2021 và năm 2022, Cuộc thi viết “Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND”, “Tìm hiểu 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân”, “Tìm hiểu 75 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân”…

Việc triển khai sâu rộng các hoạt động không chỉ thúc đẩy phong trào đọc sách, xây dựng xã hội học tập, làm lan tỏa, truyền cảm hứng cho CBCS có thêm niềm đam mê đối với sách mà đây cũng là hoạt động nhằm góp phần hình thành lối sống lành mạnh, tăng khả năng sáng tạo trong rèn luyện, học tập, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin thư viện và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc.

Thời gian tới, để đẩy mạnh phong trào đọc sách và văn hóa đọc trong lực lượng CBCS Công an tỉnh Quảng Bình, đòi hỏi cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban giám đốc, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp toàn thể CBCS nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như tham gia nhiệt tình phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc để việc đọc sách thực sự trở thành thói quen hằng ngày của mỗi CBCS; phát huy vai trò nòng cốt, chủ công của Phòng Công tác đảng và công tác chính trị, đặc biệt là CBCS làm công tác thư viện, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ trong tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám đốc tổ chức các hoạt động nhằm phát triển phong trào đọc sách và văn hóa đọc với các nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả cao. Đối với mỗi CBCS, cần nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách, xác định “học, học nữa, học mãi”, “còn hoạt động cách mạng thì còn phải học”, để khơi dậy niềm đam mê đọc sách, nghiên cứu sách, báo, tạp chí nhằm thu lượm, bổ sung kiến thức phục vụ nâng cao hiểu biết và chất lượng công tác chuyên môn.

N.O