Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải

34
Đánh giá bài viết

Ngày 11/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 142/2017/NĐ-CP gồm 4 chương 70 điều quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

 

Ảnh minh họa.

 

Theo đó, Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
 
* Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Chương III, trong đó thẩm quyền của lực lượng Công an nhân dân được quy định tại Điều 64 như sau:

Lực lượng Công an nhân dân có quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngành mình quản lý được quy định tại: điểm d và điểm e khoản 2 Điều 12; các Điều 13, 18, 28, 30; các khoản 1, khoản 2, điểm a khoản 3, khoản 10 Điều 33; điểm a khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 35 của Nghị định này.

Mức phạt tiền tối đa và thẩm quyền xử phạt của lực lượng Công an nhân dân được thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 24 và Điều 39 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

* Theo điểm d và điểm e khoản 2 Điều 12, lực lượng Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm sau:
 
– Tàu công trình, tàu phục vụ thi công công trình neo đậu ngoài vùng giới hạn cho phép, gây cản trở giao thông hàng hải trên luồng hàng hải.

– Đóng đăng đáy hoặc đặt các phương tiện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, khai thác tài nguyên trong vùng nước cảng biển, luồng hàng hải khi chưa được sự chấp thuận của Cảng vụ hàng hải hoặc không đúng vị trí hoặc không đúng thời gian đã được chấp thuận.

* Theo quy định tại Điều 13, 18, 28, 30, lực lượng Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm, gồm:

– Vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại cảng biển;
– Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường do hoạt động khai thác cảng biển;
– Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác cảng cạn;
– Vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại cảng cạn.

* Trong thẩm quyền xử phạt, tùy theo mức độ vi phạm, lực lượng Công an nhân dân có thể phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, mức phạt tiền cao nhất được áp dụng đối với các vi phạm sau:

– Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với hành vi đổ bùn, đất, chất thải từ nạo vét không đúng vị trí quy định.

– Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi đổ bùn đất, chất thải từ nạo vét không đúng vị trí quy định trong phạm vi luồng hàng hải, vùng nước trước cầu, bến cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2018 và thay thế Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa./.

Quang Thắng