Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí

78
Đánh giá bài viết

Ngày 25/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 67/2017/NĐ-CP gồm 06 chương 83 điều quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

 

Ảnh minh họa.

* Theo đó, những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí được quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Nghị định, gồm:

– Hành vi vi phạm quy định về hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí;

– Hành vi vi phạm quy định về an toàn, an ninh và môi trường trong lĩnh vực dầu khí;

– Hành vi vi phạm quy định về chế độ báo cáo, cung cấp thông tin và các quy định khác về quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí;

– Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu;

– Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu;

– Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (sau đây khí dầu mỏ hóa lỏng gọi tắt là LPG);

– Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh LPG; vi phạm quy định về chai LPG và LPG chai;

– Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh khí thiên nhiên hóa lỏng (sau đây khí thiên nhiên hóa lỏng gọi tắt là LNG);

– Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh LNG;

– Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh khí thiên nhiên nén (sau đây khí thiên nhiên nén gọi tắt là CNG);

– Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh CNG;

– Các hành vi vi phạm khác trong hoạt động kinh doanh khí.

* Đối tượng áp dụng được quy định tại Nghị định này, gồm:

– Tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam.

– Những người có thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

– Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính.

* Các cấp của lực lượng Công an nhân dân có thẩm quyền trong việc xử phạt vi phạm hành chính được nêu rõ tại Điều 74 của Nghị định, như sau:

1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ.

2. Trạm trưởng, Đội trưởng của người được quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Trưởng Công an cấp xã, trưởng đồn Công an, Trạm trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất.

4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông thuộc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh, Trưởng phòng An ninh kinh tế.

5. Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh.

6. Cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

* Theo quy định tại Điều 74 của Nghị định, chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 1.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có quyền phạt tiền đến 2.000.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực dầu khí, đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và khí.

* Tại Điều 82 của Nghị định nêu rõ về quy định chuyển tiếp, cụ thể :

– Các hành vi vi phạm đã lập biên bản vi phạm hành chính trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính để xử phạt.

– Các hành vi vi phạm được lập biên bản vi phạm hành chính từ ngày Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng Nghị định này để xử phạt.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 7 năm 2017. Nghị định này thay thế Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng./.

Tiêu Dao