Người dân chớ hoang mang trước những thông tin bịa đặt bắt cóc trẻ em

73
Đánh giá bài viết

Thời gian qua, trong cả nước, trên các trang facebook cá nhân rộ lên nhiều thông tin cảnh báo tình trạng bắt cóc trẻ em. Ở địa bàn tỉnh Quảng Bình, từ cuối tháng 6/2017, đặc biệt là vào thời điểm khi cháu T.T.N (6 tuổi) trú tại phường Quảng Long (thị xã Ba Đồn) bị mất tích, trên các trang Facebook cá nhân rộ lên nhiều tin đồn về việc một số đối tượng đã liên tiếp tiến hành nhiều cuộc bắt cóc trẻ em trên địa bàn nhưng không thành. Tiếp đó, khi cháu T.T.N được phát hiện bị tử vong với nhiều vết thương trên cơ thể, lại có tin đồn cháu bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng. Thông qua mạng xã hội, những thông tin này lan truyền với tốc độ chóng mặt khiến nhiều người dân vô cùng hoang mang. Liên tục đến nay, trên một số trang Facebook cá nhân cũng đưa nhiều thông tin có nội dung cảnh báo tình trạng vào nhà bắt cóc trẻ em. Một số Facebook cá nhân có tên Nguyễn C, Hằng M T; Nguyễn H T, Như Q T, Hương B và một số trang Facebook còn đưa rõ cả tên, tuổi, địa chỉ, thời gian cụ thể và luôn có những câu trả lời bình luận khẳng định là có tội phạm bắt cóc trẻ em và kêu gọi mọi người cảnh giác. Mặc dù các thông tin trên chưa được kiểm chứng và các cơ quan chức năng chưa công bố thông tin nhưng đã được cộng đồng mạng chia sẻ, lan truyền với tốc độ nhanh chóng, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân trên địa bàn. Nhiều người dân tỏ ra rất bức xúc đã có những hành động thiếu kiểm soát gây ra nhiều sự việc đáng tiếc. Đơn cử là việc người dân thị xã Ba Đồn vây bắt và đánh đập hai người đàn ông lạ mặt do nghi ngờ họ là thủ phạm bắt cóc trẻ em. Bước đầu cơ quan chức năng đã khẳng định thông tin cho rằng hai người này là đối tượng bắt cóc trẻ em là hoàn toàn bịa đặt. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành làm rõ mục đích của hai người này khi xuất hiện trên địa bàn; mới đây vào ngày 15/7/2017 tại thôn Văn Phú, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn một nam thanh niên bị người dân vây đánh do nghi ngờ bắt cóc trẻ em.v.v.

 Chị Đinh Thị L, ở tiểu khu 14, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới nói: Nghe có thông tin bắt cóc trẻ em ở Quảng Bình tôi sợ lắm. Mấy đứa cháu nhà tôi đợt này nghỉ hè, ba, mẹ nó đi làm đưa sang gửi nhờ nhà bà ngoại nên tôi không dám đi mô phải ở nhà giữ cháu vì các cháu rất hiếu động hay chạy ra ngoài chơi rồi sợ bị bắt cóc. Cùng với tâm lý lo sợ, những ngày qua đi đến đâu, chúng tôi cũng đều nghe người dân xôn sao, bàn tán chuyện bắt cóc trẻ em.

 

Những thông tin chưa được kiểm chứng được đăng tải và chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân đã được Công an Quảng Bình triệu tập đối tượng, buộc gỡ bỏ để trấn an dư luận.

 

Trước những thông tin bịa đặt đồn thổi nhanh chóng, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân, Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lực lượng xác minh các nguồn thông tin trên. Những trường hợp thông tin không đúng sự thật phải cương quyết xử lý nghiêm minh. Qua trao đổi, chúng tôi được phía cơ quan chức năng Công an tỉnh Quảng Bình cho biết:  những thông tin bắt cóc trẻ em tại các huyện, thị xã, thành phố thời gian qua được đăng tải trên một số trang Facebook cá nhân là hoàn toàn bịa đặt. Đặc biệt khẳng định là không có vụ việc 2 người phụ nữ đi xe máy bắt cóc bé 4 tuổi tại Xuân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình; không có trường hợp 01 bé suýt nữa bị bắt cóc tại khu vực chợ Công đoàn; bắt cóc tại Quang Trung, Phú Hải, Đồng Hới; tại thị xã Ba Đồn; ở huyện Minh Hóa như đồn thổi; việc cháu T.T.N bị sát hại với những vết thương trên cơ thể là đúng sự thật, khộng phải như thông tin đồn thổi cháu bị bắt cóc mổ lấy nội tạng.

 

Cộng đồng mạng khi đọc những thông tin đồn thổi bắt cóc trẻ em, tỏ ra rất lo lắng nhưng mong muốn nếu không có sự việc như đã nêu thì cơ quan Công an cần phải xử lý nghiêm để nâng cao ý thức trong toàn xã hội.

 

Như vậy, việc một số trang thông tin cá nhân đăng tải thông tin không đúng sự thật nêu trên đã vi phạm vào điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Cụ thể:  Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi “Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”; cao hơn nữa là vi phạm điều 122 Bộ luật Hình sự: “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai (2) năm hoặc phạt tù từ ba (3) tháng đến hai (2) năm”.

Hiện Công an tỉnh Quảng Bình đang triệu tập các trường hợp có liên quan để điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật làm bài học chung cho những ai cố tình tung tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Về phía người dân, khi tiếp nhận những thông tin chưa được kiểm chứng, cần có sự thận trọng, tránh chia sẻ tràn lan đồng thời báo cho cơ quan Công an để xác minh, làm rõ. Trường hợp phát hiện người lạ xuất hiện trên địa bàn có dấu hiệu bất thường thì cần kịp thời báo cơ quan Công an nơi gần nhất để nắm, theo dõi và quản lý chặt chẽ đối tượng.

TH