Nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo trong tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật

963
Đánh giá bài viết

Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, công tác này càng có vai trò quan trọng về nhiều mặt. Đây cũng là cầu nối đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi người dân. Do vậy, để công tác PBGDPL thực hiện đạt hiệu quả thiết thực, phù hợp, Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo lực lượng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL trong CBCS và Nhân dân. Công an các đơn vị, địa phương đã thực hiện rất đa dạng, linh hoạt, thường xuyên, liên tục, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn công tác, chiến đấu và đặc thù của từng địa phương.

Đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến

Để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, lực lượng Công an tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả của các hình thức, biện pháp tuyên truyền, PBGDPL đã làm như: tăng cường tuyên truyền miệng thông qua việc tổ chức hội nghị, các buổi sinh hoạt, giao ban, đọc báo buổi sáng; thi tìm hiểu pháp luật; qua khai thác văn bản trên mạng internet và trên Trang thông tin điện tử Công an tỉnh và Tủ sách pháp luật; kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức lối sống và chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ.

Lực lượng Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền PBGDPL cho người dân xã Quảng Hòa, TX. Ba Đồn.

Trong 10 năm qua, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tổ chức 556 hội nghị tập huấn, phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật với khoảng 30.000 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia. Ngoài ra, cũng đã tổ chức 4.550 buổi bồi dưỡng nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao kỹ năng cho gần 20.000 lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 01 hội nghị báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh phổ biến, quán triệt 02 Luật (Luật CAND và Luật Đặc xá) để bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao kỹ năng cho khoảng 300 lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

Trang bị, cấp phát các tài liệu pháp luật phục vụ triển khai, quán triệt các Bộ luật, Luật, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn..v.v..; cập nhập, hệ thống hóa thông tin pháp luật và các quy định pháp luật mới ban hành, các điều ước và thỏa thuận quốc tế.  Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, PBGDPL. Điển hình là, xây dựng mô hình “Zalo – Kết nối bình yên”; sử dụng Zalo làm kênh thông tin để tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân. Thông qua mạng xã hội khác để thường xuyên, kịp thời cập nhập, đăng bài, chia sẻ các bài viết có nội dung liên quan đến các quy định của pháp luật, của Nhà nước để Nhân dân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, ủng hộ lực lượng Công an thực hiện tốt công tác và chủ động tham mưu phòng, chống tội phạm.

Công an cơ sở hướng dẫn người dân cài đặt và tham gia mô hình “Zalo – Kết nối bình yên” của Công an TP. Đồng Hới.

Phối hợp với các trường học, cơ quan thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ANTT, ATGT, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy; tuyên truyền lưu động, xây dựng pano, áp phích; biên soạn tờ rơi, tờ gấp, đĩa CD phát đến người dân; thông qua phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội thường xuyên đưa tin, bài phản ánh tình hình thực hiện pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong việc chấp hành pháp luật ATGT, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ở địa phương để tuyên truyền trong Nhân dân. Ngoài ra, tranh thủ người có uy tín trong cộng đồng dân cư, đồng bào dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo, lão thành cách mạng để tuyên truyền, vận động, PBGDPL.

Chú trọng tuyên truyền tại địa bàn cơ sở, trong Nhân dân

Xác định vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, thông qua hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, các lực lượng CSKV, Công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT, trinh sát viên, điều tra viên…vv… là những tuyên truyền viên và tư vấn pháp luật cho người dân tại địa bàn cơ sở. Qua đó, đã phối hợp với các đoàn thể, tổ chức xã hội, trường học và cơ quan thông tin đại chúng tổ chức trên 4.500 buổi tuyên truyền cho hơn 500.000 lượt người tham gia, mở trên 2.000 hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hơn 800.000 lượt người, cấp phát trên 230.000 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu trong Nhân dân.

Cán bộ Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật phòng, chống ma túy và tác hại của ma túy cho người dân bản Tuộc, xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch).

Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng liên quan lồng ghép tổ chức trên 2.000 hội nghị quán triệt cho cán bộ cốt cán với gần 200.000.000 người tham gia để tuyên truyền thực hiện Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT và Nghị định số 36/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo và các văn bản liên quan. Hàng năm, tổ chức các đợt ký cao kết cho khoảng 3.500 học sinh và 30.000 hộ gia đình “không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng VK, VLN, CCHT và pháo” tại các trường THCS, THPT. Tổ chức 2.645 buổi huấn luyện, tuyên truyền kiến thức pháp luật, kỹ năng PCCC&CNCH cho 81.579 người tham gia. Xây dựng và củng cố 2.651 đội PCCC cơ sở trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học với hơn 15.000 đội viên.

Đối với một số đối tượng đặc thù, như người chấp hành xong hình phạt tù, người bị phạt tù được hưởng án treo, các đối tượng cải tạo không giam giữ, thanh thiếu niên và trẻ em cơ nhỡ; thanh, thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật..v.v.. lực lượng Công an đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đoàn thể ở địa phương triển khai chương trình giáo dục pháp luật cho từng đối tượng. Tổ chức trên 300 buổi tuyên truyền tại các cụm dân cư cho khoảng 1.800 đối tượng bị phạt tù được hưởng án treo và trên 300 đối tượng cải tạo không giam giữ; tổ chức trên 400 buổi PBGDPL cho thanh thiếu niên, trẻ em lang thang cơ nhỡ với khoảng 32.000 lượt người tham gia; tuyên truyền, PBGDPL cho trên 500 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, tạo điều kiện cho các đối tượng này tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, đã tổ chức 2.274 buổi phổ biến, giáo dục pháp luật lồng ghép trong các buổi học tập nội quy, quy chế giam, giữ, chính sách, pháp luật về giáo dục, cải tạo phạm nhân cho 8.680 người đang chấp hành án phạt tù.

Đại diện chỉ huy Công an huyện Quảng Ninh đã thông báo một số tình hình liên quan đến ANTT, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy và hưởng ứng quy chế hoạt động của mô hình “Bản biên giới không có ma túy”.

Tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Công an các địa phương đã tổ chức trên 200 hội nghị tuyên truyền, trọng tâm là việc tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến công tác đảm bảo ANQG, giữ gìn TTATXH, TTATGT với gần 30.000 lượt tham gia. Đối với những người dân ở ven biển, đã tổ chức trên 40 buổi phổ biến pháp luật, thu hút khoảng 5.000 lượt người tham gia; đối với người lao động trong các doanh nghiệp, đã tổ chức trên 50 hội nghị tuyên truyền pháp luật cho khoảng 12.000 lượt người.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 89 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã được xây dựng, phát triển ở 151 xã, phường, thị trấn, 169 cơ quan, doanh nghiệp và 100% nhà trường. Các mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong phong trào phòng, chống tội phạm như: mô hình “Tổ xung kích tự quản về ANTT” (Quảng Ninh); “Dòng họ tự quản” (TP. Đồng Hới, huyện Tuyên Hóa); “Xứ họ Đạo bình yên, gia đình hòa thuận” (Bố Trạch, Tuyên Hóa, Ba Đồn, Quảng Trạch); “Cụm liên hoàn an toàn về ANTT” (Lệ Thủy, Quảng Ninh); “Ba an toàn” của Công ty Xăng dầu Quảng Bình; mô hình “Trường học an toàn về ANTT”, “Camera an ninh” (Đồng Hới, Ba Đồn, Lệ Thủy); “Tổ liên gia tự quản” (Tuyên Hóa, Bố Trạch); “Thôn tự quản về ANTT” ở tất cả các địa phương….vv.. các mô hình đã phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT trên địa bàn.

Ký cam kết tại buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đảm bảo TTATGT cho học sinh Trường THCS Quảng Thuận.

Nhờ việc triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, giải pháp mà trong 10 năm qua, công tác tuyên truyền, PBGDPL đã có những chuyển biến rõ nét, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt, đã đưa công tác PBGDPL đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả và góp phần hết sức quan trọng trong công tác phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Trần Tuấn