Nhớ mùa xuân năm ấy

123
Đánh giá bài viết

 

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân- 1968 mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một mốc son tiêu biểu, bước ngoặt quyết định- đòn tấn công chiến lược, bất ngờ với quy mô lớn vào sào huyệt của đối phương ở các thành phố, thị xã lớn trên toàn miền Nam, làm lung lay ý chí quyết tâm xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris năm 1968.

 

 Bản hùng ca bất diệt

 Đầu năm 1965, sau thất bại của “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ quyết định đưa quân Mỹ và quân đội một số nước “đồng minh” của Mỹ cùng một khối lượng lớn vũ khí, thiết bị chiến tranh hiện đại ồ ạt vào miền Nam Việt Nam. Song, sau ba năm trực tiếp tham chiến, quân đội Mỹ tuy ngăn chặn được sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam cộng hòa nhưng không thể bình định được miền Nam Việt Nam. Trái lại, nước Mỹ ngày càng sa lầy vào cuộc chiến tranh “tiến thoái lưỡng nan” ở Việt Nam và chưa biết bao giờ kết thúc. Tháng 6- 1967, theo chủ trương của Bộ Chính trị, Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu đã bắt tay xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược cho năm 1968 theo tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị và chỉ thị của Quân ủy Trung ương.

Quán triệt phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào chiến trường trọng điểm  Sài Gòn – Gia Định, Huế, Đà Nẵng, trước đó 10 ngày, hai sư đoàn của ta đánh nghi binh, nhằm “đánh lạc hướng” đối phương bằng cuộc tấn công vào căn cứ của lính thủy đánh bộ Mỹ tại Khe Sanh, gây sự chú ý của Mỹ, làm cho Bộ chỉ huy Mỹ tập trung tâm trí và binh lực lên miền núi Quảng Trị để tránh một trận Điện Biên Phủ mới, sau đó quân ta sẽ tiếp ứng thẩm thấu vào thành phố, tiếp quản các mục tiêu và tham gia chiến đấu. Cuộc tấn công của ta vào căn cứ Khe Sanh được giới chuyên môn Mỹ đánh giá như tấn công vào Oasinhtơn – gây chấn động cả nước Mỹ. Mỹ, Ngụy  bị thu hút vào Khe Sanh. Bất ngờ, đêm ngày 30 rạng ngày 31-1-1968 (Tết Mậu Thân), quân và dân miền Nam đã đồng loạt tiến công và nổi dậy ở 4 thành phố lớn, trọng tâm là Sài Gòn – Gia Định và Huế, Đà Nẵng, 37 thị xã và hàng trăm quận lỵ, thị trấn trên toàn miền Nam.

 

Quân giải phóng, lực lượng biệt động, đặc công nhận nhiệm vụ và tuyên thệ trước giờ xuất kích Tổng tấn công Sài Gòn xuân Mậu Thân 1968

 

Tại Sài Gòn- Gia Định, ngay từ phút đầu nổ súng, biệt động ta đã đồng loạt đánh vào các mục tiêu quy định: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Bộ Tư lệnh Hải quân, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, tòa Đại sứ Mỹ. Trận đánh Tòa Đại sứ Mỹ hơn 6 tiếng đồng hồ với 17 chiến sỹ biệt động của ta đương đầu với lực lượng quân cảnh, lính dù của Mỹ đã gây ra tiếng vang lớn làm chấn động nước Mỹ.

Tại mặt trận Trị Thiên, lực lượng ta tiến công Nhà đèn, Ty Cảnh sát, Tòa tỉnh trưởng, trụ sở cơ quan Bình Định và trụ sở Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tri Bưu, Thành Cổ, La Vang, Điểm cao 49.

Tại mặt trận Huế, lúc 22 giờ 33 phút, ngày 31 tháng 01 năm 1968, tiếng súng tấn công bắt đầu vang lên khắp thành phố; sau 4 ngày chiến đấu liên tục quân và dân ta đánh chiếm hầu hết các mục tiêu quan trọng như: Dinh Tỉnh trưởng, Đồn cảnh sát, Đài phát thanh, khách sạn Thuận Hóa, Hương Giang, sân bay Phú Bài…Tích cực hỗ trợ cho lực lượng vũ trang, đông đảo nhân dân Huế nổi dậy, dẫn đường cho bộ đội, đào hầm, dựng chiến lũy, tiếp tế, chăm sóc thương binh …và lập chính quyền cách mạng ở nhiều khu vực.

Tiếp theo đợt I, chúng ta còn mở đợt tiến công mùa hè từ tháng 5-1968 đánh vào 30 thành phố, thị xã, quận lỵ; 27 bộ tư lệnh từ quân đoàn đến trung đoàn; 40 sân bay; nhiều kho tàng và các trục đường giao thông thủy bộ của địch. Phát huy khí thế tiến công, từ ngày 17-8-1968, ta mở đợt tấn công lần thứ 3. Đợt này ta không đánh mục tiêu chiến lược trọng điểm như các đợt trước mà chủ yếu tấn công bằng pháo và đánh vào các căn cứ quân sự, chống phản kích.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 4 tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tiến công đồng loạt. Chúng ta tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch, trong đó có 4 vạn quân sự Mỹ, 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân.

Đây là một sự kiện lớn, đánh dấu mốc quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong cuộc chiến tranh nhân dân tổng lực của ta, giáng một đòn quyết định, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm rung chuyển nước Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân viễn chinh ra khỏi miền Nam, chấp nhận thương lượng để có thể kết thúc chiến tranh trong danh dự.

Đánh giá về thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh của toàn dân đoàn kết quyết chiến, quyết thắng giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”. Bộ Chính trị đánh giá: “Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Pari, chấm dứt ném bom không điều kiện, chủ trương phi Mỹ hóa chiến tranh, mở đầu thời kỳ xuống thang chiến tranh”.

Nghệ thuật quân sự trong chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc.

Dù lịch sử đã sang trang, đất nước bước vào thời hội nhập nhưng giá trị ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau niềm tự hào sâu sắc. Đó chính là nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, đã làm nên một kỳ tích “có một không hai” trong chiến tranh giải phóng dân tộc.

 

Tượng đài tết Mậu thân ở Tiền Giang

Bài học kinh nghiệm của cuộc Tiến công càng cho thấy: Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, trước hết phải không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nền quốc phòng, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh. Cách mạng nước ta hiện nay bên cạnh những nhân tố thuận lợi thúc đẩy quá trình đổi mới đất nước, giành nhiều thành tựu quan trọng, chúng ta cũng đang phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nhất là việc các thế lực thù địch chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn, lật đổ, âm mưu thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, tạo cớ can thiệp dưới các hình thức. Vì vậy, đòi hỏi việc phát triển chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc cần có những bước phát triển mới, cả về quy mô, tính chất, yêu cầu lực lượng vũ trang phải nhạy bén, sáng tạo, thường xuyên nắm chắc tình hình, xử lý tốt những tình huống phức tạp xảy ra, không để bị động, bất ngờ về chiến lược. Thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, giữ vững ổn định chính trị- xã hội, tạo môi trường hòa bình, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược quan trọng tạo nên sức mạnh vô địch trong chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng, phát triển đất nước. Do đó, cần chăm lo khối đại đoàn kết ngay từ thời bình, để “lo giữ nước khi nước còn chưa nguy” theo kinh nghiệm truyền thống của cha ông. Xây dựng, phát huy tốt yếu tố chính trị – tinh thần của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân là nhân tố làm chuyển hoá so sánh lực lượng để “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”, là nét độc đáo của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam cần nhân lên trong điều kiện mới. Phát huy yếu tố chính trị – tinh thần trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm chiến đấu, trí thông minh, sáng tạo, chấp nhận gian khổ, hy sinh, bảo vệ và giữ gìn ANTT và cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thành phố, thị xã vững chắc, làm nền tảng của thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968 cho thấy, vai trò quan trọng của lực lượng tại chỗ, của thế trận chiến tranh nhân dân. Do đó, ngay trong thời bình phải chăm lo xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thành phố, thị xã thành thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đồng thời xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí nhằm củng cố vững chắc niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.’

Nhớ mãi mùa Xuân năm ấy, từ giá trị cốt lõi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng Công an Quảng Bình quyết tâm xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, làm nòng cốt trong sự nghiệp củng cố quốc phòng- an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định: “ Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”. Theo đó, Công an Quảng Bình phải thường xuyên xây dựng lực lượng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có số lượng và cơ cấu hợp lý, nâng cao chất lượng tham mưu, dự báo, tổng hợp tình hình, sức chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng tốt yêu cầu của cách mạng trong tình hình mới.

BBT