Nhớ ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước

600
Đánh giá bài viết

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi/ Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác/ Khi bờ bãi dần lùi làng xóm khuất/ Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre. Những câu thơ của Chê Lan Viên lại khiến cho CBCS Công an Quảng Bình thổn thức, bồi hồi trong những ngày đầu tháng 6 này.  Nhớ ngày Bác ra đi “tìm hình của nước” để mỗi người lính Công an Quảng Bình được thể hiện tình cảm, sự tự hào, hãnh diện, kính trọng và biết ơn của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với lòng tôn kính bậc vĩ nhân, dấu ấn lịch sử ngày 5-6-1911 vẫn luôn được CBCS Công an Quảng Bình khắc ghi.

Ngày 05/6/1911, trên con tàu “Đô đốc Latouche Tréville”, từ bến cảng Nhà Rồng, Thành phố Sài Gòn – Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước với một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.Với một sự mẫn cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không sang Nhật Bản, không đi Trung Quốc… mà tới châu Âu – khu vực đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, chính trị để tìm hiểu truyền thống tự do, bình đẳng, bác ái…, tìm hiểu nơi đã sinh ra mọi chế độ thực dân thối nát, cực kỳ tàn bạo; đặc biệt là đến Pháp – quốc gia đang trực tiếp cai trị đất nước mình.

Bến Nhà Rồng – nơi Bác Hồ bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu

Trong vòng 10 năm, từ năm1911 đến năm 1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt, Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp.

Tàu Amiral Latouche Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Trong mỗi chuyến đi, Người tranh thủ mọi thời cơ nhằm học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa để bổ sung cho mình những kiến thức phong phú với một tầm nhìn hết sức rộng lớn và bao quát. Từ đó, Người rút ra kết luận chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và Nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa.

Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng tháng Mười Nga mở ra, Người xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, khám phá ra chân lý lịch sử: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”.

Bác Hồ tại Đại hội Tours năm 1920. Ảnh tư liệu

Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1920, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc.

Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21/6/1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng trong thời gian này, Người đã tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ với việc lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô… Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hội nghị đã hợp nhất 3 tổ chức cộng sản thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản có ý nghĩa như một đại hội thành lập Đảng.

Từ năm 1930 đến năm1941, tuy hoạt động ở nước ngoài nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng trong nước. Trong khoảng thời gian ấy, Người có lúc ở Liên Xô, Trung Quốc, từng bị kẻ thù bắt giam ở Hồng Kông. Cuối năm 1932, Người được trả tự do, sau đó đến Liên Xô học tại Trường Quốc tế Lênin. Năm 1938, Người trở về Trung Quốc, chủ yếu hoạt động ở vùng Quảng Tây.

Sau 30 năm tìm đường cứu nước, mùa xuân năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giành chính quyền về tay Nhân dân, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập và dân chủ. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã tiến hành 2 cuộc kháng chiến thần thánh đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh.

Năm nay, kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, lực lượng Công an Quảng Bình thể hiện sự biết ơn công lao trời biển của Bác bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng hơn hết là quyết tâm giữ vững ANCT và TTATXH cho quê hương, đất nước. Khí thế đó thể hiện rõ trong mỗi thành tích của Công an Quảng Bình. Đặc biệt, báo công với Bác, Công an Quảng Bình đã bảo đảm an toàn, thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với rất nhiều chiến công đáng phấn khởi. Điển hình như: Ngày 7/5/2021, Phòng PC04 phối hợp với PC06, PC09, PK02 và Công an TP. Đồng Hới phá thành công chuyên án “213H”, bắt giữ 03 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 02 bánh heroin, 473,909g ma túy tổng hợp và nhiều tang vật khác. Cùng ngày, Công an TX. Ba Đồn đấu tranh thành công chuyên án, bắt 01 đối tượng và thu giữ 193 viên ma túy tổng hợp; Công an huyện Quảng Trạch bắt giữ nhóm đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, bay lắc trong nhà nghỉ ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch; ngày 8/5/2021, Công an TP. Đồng Hới triệt phá 02 nhóm gồm 05 đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, bước đầu xác định 02 nhóm đối tượng này hoạt động cho vay lãi nặng với tổng số tiền gần 800 triệu đồng và thu giữ nhiều tang vật, tài liệu liên quan; ngày 18/5/2021, Công an huyện Bố Trạch điều tra, khám phá nhanh vụ trộm cắp xe máy xảy ra trên địa bàn, kết luận Nguyễn Văn Hùng (SN1998, trú tại thôn Đại Nam, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch) và đã thu hồi tài sản; ngày 20/5/2021, Công an TX. Ba Đồn đấu tranh thành công chuyên án “521M” triệt phá tụ điểm đánh bạc dưới hình thức ghi số lô, số đề thông qua ứng dụng Zalo, Fb với 11 đối tượng liên quan, thu giữ hơn 140 triệu đồng…Và chiến công lại nối tiếp chiến công khi mới đây nhất, ngày 2/6/2021, lực lượng Công an Quảng Bình đã triệt phá thành công chuyên án đánh bạc bằng hình thức số lô, số đề lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn với số tiền giao dịch hơn 500 triệu đồng/ngày, liên quan đến hơn 50 đối tượng.

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, CBCS Công an Quảng Bình luôn ghi nhớ đây là cột mốc quý, mốc son vàng của lịch sử dân tộc, có ý nghĩa trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Nhớ về Người, mỗi CBCS Công an Quảng Bình quyết tâm phấn đấu đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Đồng thời, ra sức đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh biểu hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong công việc và đời sống hằng ngày; không ngừng ra sức phấn đấu và luyện rèn, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn; tăng cường công tác chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đổi mới, cải tiến lề lối, quy trình làm việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Để mỗi CBCS Công an Quảng Bình trong buồn vui cuộc sống, trong vất vả gian nan, trong thành công thắng lợi, nhất là mỗi khi chồn chân mỏi gối, luôn có Bác tiếp thêm sức mạnh. Nhà thơ Tố Hữu viết: “Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh/ Môi ta thầm kêu Bác: Hồ Chí Minh/ Và mỗi trận, mỗi mùa vui thắng lợi/ Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi”…

Bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp

N.O