Những căn cứ cho việc xây dựng lực lượng Công an chuyên trách bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn nông thôn

342
Đánh giá bài viết

Những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường đã tác động đáng kể đến mọi mặt đời sống xã hội; tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn cũng phát sinh những vấn đề mới, phức tạp. Do vậy, tăng cường lực lượng Công an chính quy về cơ sở làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên các địa bàn nông thôn là nhiệm vụ hết sức cần thiết hiện nay.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa 12) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới, Bộ Công an đã chủ động xây dựng Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, với phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” để trình Bộ Chính trị. Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là “điều chỉnh, bố trí lại lực lượng, sắp xếp cán bộ, cơ cấu trong biên chế nội bộ Bộ Công an một cách hợp lý, theo hướng tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở và chính quy hóa lực lượng Công an xã, thị trấn…”. Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành trong cả nước triển khai thí điểm điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự (ANTT). Từ năm 2012, nhiều địa phương đã tăng cường Công an chính quy xuống làm Công an xã, thị trấn. Hiện nay, đã có 1.065/9.581 số đơn vị Công an xã, thị trấn đã được bố trí Công an chính quy. Qua tổng kết thực tiễn cho thấy, khi được bố trí xuống địa bàn xã, thị trấn, lực lượng này đã làm tốt công tác nắm tình hình, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và hiệu lực quản lý nhà nước về ANTT tại địa bàn xã, thị trấn; thực hiện tốt nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, bảo đảm ANTT ở cơ sở; góp phần xây dựng, củng cố Công an xã, thị trấn vững mạnh.

Việc bố trí lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy bảo đảm ANTT tại địa bàn nông thôn, Bộ Công an dựa vào những căn cứ sau:

– Căn cứ pháp lý

+ Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Trong đó, hoạt động của Công an xã có liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở cơ sở. Vì vậy, việc bố trí lực lượng Công an chính quy tại xã để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 nhằm vừa bảo đảm cho hoạt động giữ gìn ANTT tại địa bàn cơ sở, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện đúng quy định pháp luật;

+ Luật Công an nhân dân hiện hành đã khẳng định Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân với cơ cấu gồm lực lượng An ninh nhân dân, lực lượng Cảnh sát nhân dân và Công an xã. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng lực lượng Công an xã chính quy để bảo đảm sự thống nhất về tổ chức, hoạt động của Công an xã tương xứng với vị trí của Công an xã;

+ Khoản 4, Điều 10 Pháp lệnh Công an xã quy định Bộ Công an bố trí Công an chính quy ở xã và thực tế Bộ Công an đã bố trí và thực hiện hiệu quả chủ trương bố trí Công an chính quy ở xã (từ năm 1989 đến nay);

+ Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” cũng đã xác định nội dung bố trí lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy;

+ Ngày 6/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 01-2018/NĐ-CP, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.

+ Những năm gần đây, Quốc hội đã thông qua nhiều luật mới như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Căn cước công dân, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ… trong đó, có bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho Công an xã, thị trấn. Do đó, việc xây dựng lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thi hành hệ thống pháp luật có liên quan đến ANTT ở địa bàn cơ sở.

 Căn cứ thực tiễn

+ Tình hình an ninh nông thôn, đô thị tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn, nhất là các vụ việc khiếu kiện, xung đột xã hội liên quan đến đất đai, quản lý, thu hồi đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất được hình thành, nảy sinh nhiều vấn đề mới đặt ra trong công tác bảo đảm ANTT. Quá trình đô thị hóa tăng nhanh, thu hồi đất, dẫn đến một bộ phận nhân dân không có việc làm, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, cá độ, cho vay nặng lãi, bảo kê… là nguyên nhân gián tiếp làm phát sinh các loại tội phạm hình sự;

+ Các loại tội phạm và vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn, nhất là tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng, tội phạm có tính chất khủng bố, tội phạm chống người thi hành công vụ. Các loại tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp;

+ Những diễn biến tình hình nêu trên nếu xảy ra đều sẽ bắt đầu từ địa bàn cơ sở, nếu không quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý, sẽ làm cho môi trường sống, môi trường đầu tư, đặc biệt là sự ổn định về chính trị, ANTT và an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng;

+ Việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn hiện nay chủ yếu do lực lượng Công an xã, thị trấn đảm nhiệm. Đây là địa bàn rộng lớn, chiếm 80% diện tích cả nước và là địa bàn đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về ANTT, đặc biệt là tình hình an ninh nông thôn, dân tộc, tôn giáo, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

+ Tình hình nêu trên đặt trách nhiệm nặng nề hơn đối với lực lượng Công an xã, thị trấn đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa việc thực hiện nhiệm vụ cũng như bảo đảm các điều kiện hoạt động đối với lực lượng Công an xã, thị trấn để lực lượng này thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chế độ, chính sách và bảo đảm các điều kiện hoạt động đối với lực lượng Công an xã, thị trấn bán chuyên trách còn chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ mà lực lượng này đang thực hiện, đã có hàng ngàn Phó trưởng Công an xã, thị trấn và Công an viên đã xin nghỉ việc vì chế độ phụ cấp hàng tháng quá thấp, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt của bản thân và gia đình;

+ Theo hồ sơ dự án Luật cho thấy, trong nhiều năm qua, Chính phủ, Bộ Công an đã có nhiều mô hình bố trí lực lượng bảo đảm ANTT ở địa bàn xã. Tuy nhiên, các mô hình này đều chưa đáp ứng được tốt nhất yêu cầu bảo đảm ANTT tại địa bàn xã. Kinh nghiệm qua sơ kết triển khai thực hiện bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thị trấn tại hơn 1000 xã ở các tỉnh, thành phố vừa qua cho thấy, tuy có một số hạn chế nhưng có thể khắc phục được và đây là mô hình có hiệu quả nhất; công tác tham mưu, quản lý nhà nước về ANTT và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn xã được nâng cao, góp phần ổn định tình hình và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương;

+ Bố trí Công an xã, thị trấn chính quy thì khi đó đồng chí Trưởng Công an xã, thị trấn (có tiêu chuẩn cán bộ tương đương Trưởng Công an phường) nếu được cơ cấu tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy xã (tương tự như đồng chí Trưởng Công an phường cơ cấu vào Ban Thường vụ Đảng ủy phường) sẽ bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với Công an xã, thị trấn, đồng thời, vị trí, vai trò của Công an xã, thị trấn được nâng lên (hiện Trưởng Công an xã là công chức cấp xã chỉ được cơ cấu tham gia Ban Chấp hành).

Vì vậy, cần thiết phải xây dựng lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy để bảo đảm sự thống nhất về tổ chức, hoạt động của Công an xã, thị trấn tương xứng với vị trí của Công an xã, thị trấn trong công tác bảo đảm ANTT ở các địa bàn nông thôn.

Hà Chi