Những chuyển biến tích cực từ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia ở xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa

65
Đánh giá bài viết

Xã Dân Hóa (Minh Hóa) có diện tích tự nhiên trên 17 nghìn ha, có tuyến biên giới dài 27,5 km giáp với Lào, được phân định bởi 8 cột mốc; địa hình chủ yếu núi cao, hiểm trở và bị chia cắt bởi các sông, suối có độ dốc khá lớn; nơi có tuyến đường xuyên Á đi qua, có cửa khẩu quốc tế Cha Lo đóng trên địa bàn.

 

Toàn xã hiện có 873 hộ với 3.885 nhân khẩu, được  phân bố sinh sống rải rác tại 13 bản, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 91,09% dân số gồm dân tộc Chứt và BRu-Vân kiều; tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 88,43%. Do trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, nên nhận thức, ý thức của nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước nói chung còn nhiều hạn chế…

 

Bên cạnh đó, kẻ địch và các loại tội phạm thường lợi dụng để hoạt động, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn tuyến biên giới trên địa bàn, như: Xâm nhập biên giới và vượt biên trái phép; buôn bán chất ma túy, vật liệu nổ, săn bắt động vật hoang dã quý hiếm; vận chuyển, khai thác gỗ trái phép; tệ nạn xã hội, phạm pháp hình sự…

 

Trước tình hình trên, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động chỉ đạo các ban,  ngành, các lực lượng như Công an, Quân sự, Biên phòng, phụ nữ, văn hóa – thông tin… tổ chức tuyên truyền 35 buổi cho 3.600 lượt người là cán bộ chủ chốt của xã, trưởng bản của 13 bản và nhân dân trên địa bàn.

 

Nội dung tuyên truyền tập trung vào ý thức dân tộc về độc lập chủ quyền, tinh thần tham gia tự quản đường biên, mốc giới, phát hiện đấu tranh ngăn chặn các âm mưu phá hoại, xâm phạm lãnh thổ biên giới, cột mốc, các hoạt động xâm canh, vượt biên trái phép, khai thác lâm, thổ sản, săn bắt động vật rừng, phá hoại môi sinh, môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng đầu nguồn, phát hiện và tố giác các loại tội phạm…Các lực lượng đã trực tiếp xuống tận từng bản, gặp từng người dân để vận động, đồng thời trang thủ các già làng, trưởng bản để vận động đồng báo dân tộc hiểu và làm theo nội dung hướng dẫn của  cán bộ Công an cơ sở, cán bộ biên phòng….tự giác chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước..

 

Một góc bản Ka Ai.

Mặt trận và các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, lực lượng Dân quân, Công an xã cùng phối hợp phát động phong trào tự quản đường biên, cột mốc gắn với hoạt động cụ thể của từng ngành.  Xã thành lập 13 tổ an ninh nhân dân bố trí ở các thôn bản, tổ hòa giải do Mặt trận và Hội Phụ nữ chủ trì. Tập trung xây dựng  bản văn hóa (đã có  4 bản được huyện quyết định công nhận, 4 đơn vị đang chờ quyết định công nhận), 498 hộ gia đình  được công nhận gia đình văn hóa; bố trí 13 công an viên, 13 thôn đội trưởng, 1 B dân quân 25 đồng chí. Xã cũng thông báo nội dung đăng ký tự quản đến từng bản, từng hộ gia đình để nhân dân nghiên cứu và tự nguyện ký cam kết tự quản với bản, xã và đồn biên phòng.

 

Tính đến hiện nay, xã có 4 tập thể (các bản Cha Lo, Bãi Dinh, Ka Ai, Ka Vàng) và 58 cá nhân đăng ký tham gia mô hình tự quản “Đường biên, mốc quốc giới”; 13 tổ/128 cá nhân tham gia tự quản “An ninh bản biên giới”; 1 tổ/26 cá nhân đăng ký tham gia tự quản ANTT ở khu vực cửa khẩu. Qua thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới, ý thức trách nhiệm của các tổ chức và nhân dân bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực. 

Trong năm 2016 đã có 30 lượt người dân tham gia 6 lần tuần tra, truy quét làm trong sạch địa bàn. Các tổ an ninh nhân dân của các bản đã phối hợp với các tổ công tác địa bàn thường xuyên làm tốt công tác quản lý, đăng ký tạm trú, tạm vắng. Nhân dân đã tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm 1 vụ/2 đối tượng vi phạm, cùng các tổ công tác của đồn biên phòng giải quyết 1 vụ/2 đối tượng vi phạm. Tổ hòa giải đã tổ chức hòa giải 5 vụ/10 đối tượng; các bản đã giải quyết 3 vụ/6 đối tượng. Nhân dân đã cung cấp cho tổ công tác và đồn biên phòng hơn 127 nguồn tin, trong đó 95 nguồn tin có giá trị phục vụ cho công tác nắm và xử lý tình hình trên biên giới và địa bàn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 

Hiện nay, 13/13 bản trên địa bàn xã Dân Hóa đã xây dựng hương ước trong phong trào tự quản, giữ gìn an ninh trật tự của từng bản. Nội dung của hương ước đã nêu cụ thể hình thức, chế độ khen thưởng, xử phạt phù hợp với phong tục tập quán địa phương, bảo đảm đúng luật pháp và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là phù hợp với tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, như các nội dung: Làm tốt công tác đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng tại bản; đăng ký kết hôn, việc tang, lễ, cưới hỏi, mừng mùa lúa mới…; bãi bỏ các tập tục mê tín lạc hậu.

 

Các bản cũng xây dựng quy ước về điều hành hoạt động tự quản của bản, khi phát hiện dấu hiệu, hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ, ANTT trên biên giới phải kịp thời báo cáo trưởng bản; tổ chức quần chúng nhân dân trong bản phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, giải quyết theo quy ước của bản, đồng thời báo cáo cho UBND xã và tổ công tác đồn biên phòng để xử lý theo thẩm quyền và pháp luật quy định; nếu người vi phạm là công dân của các bản thì tùy theo từng trường hợp cụ thể để tổ chức xử lý và kiểm điểm trước dân ở bản…

 

Đánh giá tình hình địa bàn, đồng chí Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết: Sau một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Dân Hóa được tăng cường và giữ vững, hạn chế tình trạng người dân vượt biên trái phép sang Lào săn bắt động vật hoang dã, khai thác gỗ trái phép. Các vụ việc xảy ra đều được nhanh chóng phát hiện và giải quyết dứt điểm, kịp thời, không để dây dưa kéo dài tạo thành điểm nóng để địch và các loại tội phạm lợi dụng, chống phá, hoạt động. Nhân dân tự giác, tích cực phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống gia đình./.

 

Theo: Thùy Linh
(Đài TT-TH Minh Hóa)