Những người hùng cứu dân trong lũ

155
Đánh giá bài viết

Cho đến hôm nay người dân trên địa bàn vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến cảnh mưa lũ làm chìm ngập nhà cửa, ruộng vườn và đe dọa nghiêm trọng đến tín mạng của người dân.  Những cán bộ chiến sỹ Công an huyện Quảng Trạch, Quảng Bình bất chấp mọi hiểm nguy trong mưa lũ đã cùng với người dân địa phương cứu hàng chục người dân trước “thủy thần” đang đe dọa tín mạng.  Thiếu tá Phạm Minh Thọ Thượng sỹ Lê Hải Nam, Đội xây dựng phong trào và phụ trách xã, Công an huyện Quảng Trạch là những hình ảnh đẹp về người chiến sỹ CAND băng lũ cứu dân.

Thượng sỹ Lê Hải Nam, Đội xây dựng phong trào và phụ trách xã, Công an huyện Quảng Trạch thăm hỏi người dân.
Thượng sỹ Lê Hải Nam, Đội xây dựng phong trào và phụ trách xã, Công an huyện Quảng Trạch thăm hỏi người dân vùng bị lũ.

Trở về sau 2 ngày bám địa bàn. Thượng sỹ Lê Hải Nam, Đội xây dựng phong trào và phụ trách xã, Công an huyện Quảng Trạch lấm lem bùn đất và khuôn mặt sạm đi vì dầm mình giữa dòng nước bạc để cứu người dân lại tiếp tục chuẩn bị để về địa bàn giúp người dân dọn lũ. Thượng sỹ Nam nhớ lại “Lúc đó, vào khoảng 23h30” đêm 14-10, khi mực nước đang dâng cao, được chỉ huy đơn vị phân công về ứng trực phòng chống lụt bão và cứu nạn cứu hộ tại xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch nhận được tin có một số nhà dân bị chìm sâu trong nước. Trong thời điểm gió giật mạnh, mưa càng nặng hạt và mực nước ngày càng dâng cao, việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó, anh Nam đã kịp thời có mặt phối hợp cùng đồng chí Khai là Công an viên và 2 bố con ông Hoàng Văn Tâm (ở thôn Long Châu, xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch) chèo xuồng, bật đèn pin lần tìm trong đêm vào các khu vực bị ngập sâu trong xã để cứu dân. Vào khoảng 1 giờ sáng ngày 14/10 đến 8h sáng ngày 15-10, trên chiếc xuồng nhỏ chúng tôi đã lần lượt cứu được 15 người dân đang mắc kẹt trên nóc những ngôi nhà sắp bị nước lũ nhấn chìm và đưa bà con về tại trạm y tế xã để trú ẩn, trong đó có 5 trẻ em và 3 người già neo đơn”.

 

Vẫn còn chưa hết bàng hoàng sau cơn lũ dữ, chị Hoàng Thị Lan, ở thôn Trường Sơn, xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình không cầm được nước mắt nói “Chỉ chậm chân chút nữa thôi thì không chỉ vợ chồng tôi mà còn cả đứa con chưa đầy 2 tuổi, một đứa chưa đầy 4 tuổi cũng chẳng thể thoát nổi cơn “thủy thần”. Khi vừa leo lên đến nóc nhà nước lũ cũng đã ngập cao, sinh mạng của mẹ con và gia đình tôi lúc đó cũng chỉ nghỉ là chẳng còn cơ hội. Thế nhưng, như điều kỳ diệu xảy ra là giữa lúc mưa lũ các anh đã gan dạ có mặt kịp thời để cứu người”.

 

Người dân trên địa bàn huyện Quảng Trạch chưa bao giờ chứng kiến cảnh lũ kinh hoàng như vậy. Mọi thứ đều bất ngờ, bất ngờ vì lũ quá lớn, người dân chẳng kịp trở tay. Trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ mà mực nước đã lên cao so với đỉnh lũ năm 2007. Sau 8 giờ sáng ngày 15-10 nước bắt đầu dâng đến nóc một số ngôi nhà trên địa bàn. Thiếu tá Phạm Minh Thọ – Phó đội trưởng đội xây dựng phong trào và phụ trách xã, lúc đó đang ứng trực tại xã nhận được tin báo một số người dân tại thôn Tân An, xã Quảng Thanh đang bị mắc kẹt trong nhà do nước lũ dâng cao. Ngay lập tức, đồng chí Thọ cùng với ông Nguyễn Huệ – Phó Bí thư Đảng ủy xã và đồng chí Nguyễn Khương – Xã đội trưởng đã chèo xuồng xuống địa bàn nhanh chống triển khai các biện pháp đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Thiếu tá Phạm Minh Thọ - Phó đội trưởng đội xây dựng phong trào và phụ trách xã đến thăm hỏi người dân được anh cứu sống.
Thiếu tá Phạm Minh Thọ – Phó đội trưởng đội xây dựng phong trào và phụ trách xã đến thăm hỏi người dân được anh cứu sống.

Dù cho nước chảy xiết, nhưng với quyết tâm cứu người dân đang bị nước lũ chực chờ cuốn đi, tổ cứu hộ đã nỗ lực chèo xuồng đến những ngôi nhà bị nước ngập gần tới nóc. Sau 4 giờ chèo xuồng tìm người trong nước lũ, đến 12 giờ trưa cùng ngày, các anh đã cứu được 5 người dân, trong đó có 3 trẻ em bị mắc kẹt đưa về nơi trú ẩn an toàn. Thiếu tá Thọ kể lại “Nằm dọc ven con sông, lượng nước tại đây chảy xiết và việc di chuyển của các phương tiện cứu hộ tại đây hết sức nguy hiểm, không có thời gian để yêu cầu phương tiện chuyên dụng và cách duy nhất mà chúng tôi có thể di chuyển được là bám vào đường dây điện để di chuyển. Nhờ cách này mà chúng tôi lần lượt tiếp cận được những nhà ngập lũ để cứu người”.

 

Vào thời điểm xảy ra đỉnh lũ, máy điện thoại của Đại tá Phan Thanh Sơn – Trưởng Công an huyện Quảng Trạch, Quảng Bình dường như cháy máy. Liên hồi những cuộc điện thoại réo rắt với những yêu cầu khẩn cấp cứu người, phương tiện cứu hộ có hạn và chủ yếu tập trung ở các địa bàn vùng rốn lũ, xung yếu. Đại tá Sơn cho biết: Khi triển khai lực lượng về các địa bàn để cùng phối hợp với lực lượng địa phương để ứng phó lũ và cứu hộ, cứu nạn, yêu cầu đầu tiên của chỉ huy Công an huyện là cán bộ phải nắm, vận dụng và có những sáng tạo trong xử lý các tình huống đột xuất, vận dụng điều kiện tại chỗ, nhất là các phương tiện xuồng, thuyền để tham gia ứng cứu người dân trong tình huống khẩn cấp một cách có hiệu quả.

 

          Trần Tuấn