Những nội dung cơ bản của luật sửa đổi một số điều của Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài

506
Đánh giá bài viết

 Ngày 21/11/2017 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (Luật số 19/2017/QH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Luật) có những nội dung cơ bản sau:

 

Hình minh họa.
  1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (Điều 1)

1.1. Bãi bỏ khoản 10 Điều 8; sửa đổi, bổ sung các khoản 4, 5, 7, 8, 13 và 15 Điều 8 Luật năm 2009 như sau:

Luật đã bãi bỏ khoản 10 Điều 8 của Luật năm 2009 về tiếp nhận đơn và chứng cứ liên quan của công dân, pháp nhân Việt Nam để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xem xét, giải quyết, do Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự không quy định chức năng tiếp nhận đơn và chứng cứ liên quan của công dân, pháp nhân Việt Nam để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xem xét, giải quyết. 

– Tại khoản 4 Điều 8 Luật năm 2009, bỏ quy định về cấp đổi, cấp lại các loại hộ chiếu, giấy thông hành và giấy tờ khác có giá trị xuất nhập cảnh để phù hợp với Nghị định số 94/2015/NĐ-CP ngày 10/6/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, chỉ quy định chung về việc “cấp” hộ chiếu mà không nêu rõ là việc cấp mới, cấp lại hay cấp đổi, cấp lần đầu để linh hoạt và bao quát hơn, đồng thời bỏ cụm từ “các loại” do cơ quan đại diện không thực hiện thủ tục gia hạn đối với hộ chiếu phổ thông theo Nghị định số 94/2015/NĐ-CP. Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 8 của Luật năm 2009 đã bỏ quy định về việc gia hạn, cấp lại thị thực và giấy miễn thị thực để phù hợp với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

– Tại khoản 7 Điều 8 của Luật năm 2009, bổ sung cụm từ “phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam” để phù hợp hơn, cụ thể như sau: “7. Thực hiện nhiệm vụ công chứng, chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên; tiếp nhận, bảo quản giấy tờ, tài liệu và đồ vật có giá trị của công dân, pháp nhân Việt Nam khi có yêu cầu phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với pháp luật của quốc gia tiếp nhận”.

– Tại khoản 8 và khoản 13 Điều 8 của Luật năm 2009 được sửa đổi theo hướng quy định khái quát hơn về nhiệm vụ chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự, nhiệm vụ về ủy thác tư pháp để bao quát hơn và phù hợp với Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự và Luật Tương trợ tư pháp.

– Tại khoản 15 Điều 8 của Luật năm 2009, bổ sung cụm từ “liên quan đến” để phù hợp hơn với nhiệm vụ cơ quan đại diện thực hiện trong lĩnh vực phòng dịch, kiểm dịch động vật, thực vật theo quy định pháp luật.

1.2. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 10 Luật năm 2009

Luật đã bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 10 Luật năm 2009 quy định cơ quan đại diện thống nhất quản lý hoạt động thông tin đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan đề xuất, triển khai hoạt động thông tin đối ngoại tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận như đã được quy định tại Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại.

1.3. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 15 Luật năm 2009

Nhằm đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong hoạt động chuyên môn của bộ phận thương vụ, Luật đã sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 15 Luật năm 2009 theo hướng tách riêng kinh phí hoạt động thường xuyên dành cho lĩnh vực thương mại theo quy định của Chính phủ, cụ thể quy định: “b) Kinh phí hoạt động thường xuyên được cấp cho Bộ Ngoại giao để phân bổ cho cơ quan đại diện, trừ kinh phí dành cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thương mại theo quy định của Chính phủ;”. Tại Nghị định của Chính phủ sẽ xác định rõ phạm vi tách kinh phí dành cho lĩnh vực thương mại được hiểu chỉ bao gồm kinh phí hoạt động thường xuyên của biên chế cán bộ biệt phái của Bộ Công Thương (được hiểu là bộ phận thương vụ) tại cơ quan đại diện và việc quản lý, sử dụng kinh phí.

1.4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 vào Điều 16 Luật năm 2009

Việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công của các dự án này được thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư công; trong trường hợp cần thiết, việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và dự án đầu tư có thể được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tại Nghị định của Chính phủ sẽ quy định cụ thể về các trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp cần thiết.

Việc triển khai thực hiện các dự án này được áp dụng theo thứ tự: điều ước quốc tế, thỏa thuận giữa Việt Nam với quốc gia tiếp nhận, pháp luật của quốc gia tiếp nhận; pháp luật Việt Nam. Quy định này phù hợp với đặc thù dự án được triển khai thực hiện, thi công xây dựng ở nước ngoài nên ngoài quy định pháp luật Việt Nam, các dự án này còn phải tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia sở tại, điều ước quốc tế và thỏa thuận giữa Việt Nam và quốc gia sở tại trong các vấn đề như quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng, thi công xây dựng, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, lựa chọn nhà thầu, cơ chế tạm ứng, thanh toán. Quy định này tương tự quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (năm 2017) về quản lý tài sản công của các cơ quan tại Việt Nam ở nước ngoài.  Nhằm bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện các dự án, đáp ứng yêu cầu nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của cơ quan đại diện, nâng cao hình ảnh của cơ quan đại diện, Luật quy định nguồn kinh phí thực hiện dự án đầu tư xây dựng do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Cụ thể Luật quy định như sau:

“3. Việc quản lý dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện được thực hiện như sau:

  1. a) Việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công cho dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công. Trong trường hợp cần thiết, việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và dự án đầu tư có thể được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn;
  2. b) Việc triển khai dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện được áp dụng theo điều ước quốc tế, thỏa thuận giữa Việt Nam với quốc gia tiếp nhận, pháp luật của quốc gia tiếp nhận, pháp luật Việt Nam;
  3. c) Nguồn kinh phí thực hiện dự án đầu tư xây dựng do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

          Chính phủ quy định chi tiết khoản này.”

1.5. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 Luật năm 2009 về tiêu chuẩn thành viên cơ quan đại diện

 Luật sửa đổi khoản 1 Điều 17 Luật năm 2009, theo đó quy định thành viên cơ quan đại diện phải đáp ứng các theo quy định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trên cơ sở đề án tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn chung của thành viên cơ quan đại diện thì còn phải đáp ứng một số tiêu chuẩn cụ thể do Luật quy định. Các tiêu chuẩn này được căn cứ vào các tiêu chuẩn phong hàm Đại sứ theo Pháp lệnh Hàm, cấp ngoại giao và Nghị định số13-CP ngày 16/3/1996 quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh này, bám sát các tiêu chuẩn áp dụng đối với các chức danh quản lý, lãnh đạo các cơ quan hành chính nhà nước và các quy định mới ban hành của Đảng (Quyết định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Ban Chấp hành Trung ương quy định Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Quyết định số 90-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Ban Chấp hành Trung ương quy định Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý), bảo đảm phù hợp với yêu cầu của ngành ngoại giao, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình bổ nhiệm. Cụ thể, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền phải đáp ứng tiêu chuẩn sau: (1) Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; (2) Có trình độ đại học trở lên; có trình độ lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; đã được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ đối ngoại; sử dụng thông thạo ít nhất một ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu công tác; (3) Nắm vững và có năng lực tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước; có năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo; có năng lực tổ chức, điều hành, tập hợp, đoàn kết nội bộ và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; có kinh nghiệm quản lý, công tác trong lĩnh vực đối ngoại; đã có thời gian giữ chức vụ phó vụ trưởng hoặc tương đương trở lên; (4) Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; trong độ tuổi đủ để hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ công tác, trừ trường hợp đặc biệt, căn cứ yêu cầu đối ngoại, địa bàn công tác, năng lực, uy tín cá nhân, do Chính phủ quy định.

1.6. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 19 Luật năm 2009

Nhằm quy định rõ chức vụ ngoại giao của người đứng đầu cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế. Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 19 Luật năm 2009, cụ thể là “Người đứng đầu cơ quan đại diện tại Liên hợp quốc là Đại diện thường trực và có chức vụ ngoại giao Đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Người đứng đầu cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế khác là Đại diện thường trực, Quan sát viên thường trực hoặc Đại diện của Chủ tịch nước tại tổ chức quốc tế và có chức vụ ngoại giao Đại sứ hoặc Đại sứ đặc mệnh toàn quyền”. Quy định này phù hợp với thực tế thời gian qua và thông lệ ngoại giao của tất cả các nước tại Liên hợp quốc.

1.7. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 và khoản 6 Điều 32 Luật năm 2009

Để phù hợp với quy định mới của Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị quyết số 719/2014/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn thực hiện khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 64/2013/QH13 của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và bảo đảm tương thích với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cử, triệu hồi người đứng đầu cơ quan đại diện như sau: (1). Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu cơ quan đại diện là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền. (2). Căn cứ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi người đứng đầu cơ quan đại diện là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền. (3). Chủ tịch nước quyết định cử, triệu hồi người đứng đầu cơ quan đại diện là Đại diện của Chủ tịch nước tại tổ chức quốc tế theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật này. (4). Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định bổ nhiệm, triệu hồi người đứng đầu cơ quan đại diện, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 20 của Luật năm 2009. (5). Người đứng đầu cơ quan đại diện tại một quốc gia, tổ chức quốc tế có thể được cử hoặc bổ nhiệm kiêm nhiệm làm người đứng đầu cơ quan đại diện tại quốc gia, tổ chức quốc tế khác.

Tương ứng với việc bổ sung quy trình này, Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 32 về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao như sau:

“6. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước cử và triệu hồi Đại diện của Chủ tịch nước tại tổ chức quốc tế.

Quyết định kéo dài nhiệm kỳ của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền trong thời gian không quá 03 tháng; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định kéo dài nhiệm kỳ của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền trên 03 tháng trong trường hợp cần thiết do yêu cầu đối ngoại và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.”.

1.8. Bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 21 Luật năm 2009

Luật bổ sung Khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 21 Luật năm 2009 nhằm quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện trong tổ chức thực hiện và kiến nghị thực hiện biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn đối với thành viên và trụ sở cơ quan đại diện trên cơ sở quy định của Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, đồng thời bảo đảm nhất quán với quy định tại khoản 3 Điều 11 Luật năm 2009, đáp ứng yêu cầu nâng cao công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực hiện nay.

1.9. Sửa đổi, bổ sung tên Điều 26; bổ sung điểm d vào khoản 1, bổ sung khoản 3 và khoản 4 vào Điều 26 Luật năm 2009

Tên của Điều 26 Luật năm 2009 được sửa đổi như sau “Điều 26. Chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện”, đồng thời quy định một số chế độ mới dành cho thành viên cơ quan đại diện và thành viên gia đình tại Điều 26 như sau:

Bổ sung thêm điểm d vào khoản 1 quy định “d) Bảo đảm chi phí đi lại trong trường hợp cha, mẹ hoặc cha, mẹ của vợ (chồng) hoặc vợ, chồng, con của thành viên cơ quan đại diện chết.”; bổ sung thêm khoản 3 và khoản 4 quy định “3. Con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện được hỗ trợ một phần học phí tại quốc gia tiếp nhận và chi phí mua bảo hiểm khám bệnh, chữa bệnh. 4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”.

Việc bổ sung các chế độ hỗ trợ này thể hiện chính sách nhân đạo, sự quan tâm, bảo đảm của Nhà nước đối với quyền lợi về giáo dục và chăm sóc sức khoẻ y tế trẻ đang trong độ tuổi đi học và chăm lo đời sống tinh thần của thành viên cơ quan đại diện, tạo điều kiện để cán bộ, công chức yên tâm công tác. Đồng thời, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về chế độ hỗ trợ này để phù hợp và khả thi với điều kiện kinh tế và cân đối ngân sách của nước ta. 

1.10. Sửa đổi, bổ sung Điều 34 Luật năm 2009

Kế thừa quy định tại Điều 34 của Luật năm 2009, Luật bổ sung quy định cơ quan đại diện có trách nhiệm tổng hợp và định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về hoạt động của các đoàn quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật năm 2009. Ngoài ra, để linh hoạt hơn cho các đoàn công tác trong một số trường hợp đặc biệt như địa bàn đi công tác không có cơ quan đại diện, đoàn công tác có tính chất đặc thù, Luật bổ sung quy định các đoàn đi công tác nước ngoài thông báo kết quả hoạt động cho Bộ Ngoại giao.

  1. Điều khoản thi hành (Điều 2)

Điều 2 quy định Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2018./.

Tiêu Dao