NHỮNG THÀNH TÍCH NỔI BẬT CỦA LỰC LƯỢNG AN NINH CHÍNH TRỊ NỘI BỘ

269
Đánh giá bài viết
  1. Tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các văn bản pháp quy quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên lĩnh vực ANCTNB

Để huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên mặt trận bảo vệ ANCTNB, an ninh văn hóa, tư tưởng, an ninh thông tin truyền thông, lực lượng ANCTNB đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản, nổi bật là: Chỉ thị số 186-CT/TW, ngày 17/2/1960; Chỉ thị số 23 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ nội bộ; Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 18/8/2014 về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay; Nghị quyết số 39- NQ/TW, ngày 20/1/1962 về việc kiên quyết trấn áp phản cách mạng, bảo vệ nội bộ thật chặt chẽ; Quy định số 75-QĐ/TW, ngày 25/4/2000 của của Bộ Chính trị khóa VIII về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng; Quy định số 57- QĐ/TW, ngày 03/5/2007, Quy định số 126-QĐ-TW, ngày 28/2/2018, nay là Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 08/2/2022 của Bộ Chính trị về một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng; Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới…

Chủ trì, tham gia xây dựng, sửa đổi hàng trăm văn bản pháp luật liên quan ANCTNB, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh thông tin truyền thông như: Luật Báo chí xuất bản, Luật Viễn thông, Luật Quảng cáo, Luật Giáo dục đào tạo, Luật Điện ảnh, Luật Khám bệnh và chữa bệnh sửa đổi, Luật Dược, Luật Dân số, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo hiểm xã hội… Lực lượng ANCTNB đã chú trọng, tham mưu cho Nhà nước ban hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa X) thông qua năm 2000 và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (Luật số 29/2028/QH14, ngày 15/11/2018) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Phối hợp các cơ quan, ban, ngành xây dựng các thông tư liên bộ, quy chế phối hợp làm cơ sở trong công tác bảo vệ ANCTNB.

Lực lượng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Quảng Bình xử lý đối tượng tung tin thất thiệt trên mạng xã hội (năm 2020).
  1. Công tác bảo đảm ANCTNB

Qua các thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng ANCTNB trong toàn quốc đã thực hiện tốt nhiệm vụ đề xuất với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật về bảo vệ ANCTNB; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về an ninh quốc gia trên các lĩnh vực được phân công; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước.

Trực tiếp triển khai đồng bộ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ ANCTNB; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống nội gián, chống suy thoái, “tự diễn biển”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Triển khai hiệu quả công tác nghiệp vụ bảo vệ an ninh trên các lĩnh vực: Pháp luật; tư tưởng, văn hóa; báo chí, xuất bản; văn hóa, thể thao, lao động xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học xã hội; bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin. Hoàn thành tốt nhiệm vụ Thường trực Ban chỉ đạo của Bộ Công an trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

  1. Trực tiếp đấu tranh chống địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị và các loại tội phạm

3.1. Chi viện cho tiền tuyến chiến đấu giải phóng miền Nam

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam, lực lượng ANCTNB đã cử nhiều lượt cán bộ lên đường vượt Trường Sơn vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong 15 năm (1960-1975), Cục đã tăng cường cho An ninh miền Nam 07 đoàn gồm 15 đồng chí. Nhiều đồng chí đã trưởng thành trong chiến đấu, giữ những cương vị chủ chốt trong cơ quan an ninh giải phóng địa phương. Dù ở cương vị nào, mặt trận nào, những cán bộ Cục ANCTNB luôn là tấm gương tiêu biểu về ý chí kiên cường, bất khuất tận tâm với Đảng, với nhân dân, yêu thương đồng đội, vượt qua vất vả gian lao, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong số các đồng chí từ Cục ra đi chiến đấu, đã có 3 đồng chí anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc: Liệt sỹ Lê Văn Ngân (tức Sáu Ân), cán bộ Phòng bảo vệ giáo dục chi viện cho An ninh khu 8, giữ chức vụ Phó Tiểu ban BVCT Ủy ban An ninh tỉnh Mỹ Tho. Đồng chí Ngân là người đầu tiên phác hoạ tổ chức của An ninh tỉnh Mỹ Tho, trực tiếp mở 5 khoá tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ an ninh của tỉnh. Đồng chí Ngân đã anh dũng hy sinh ngày 28/6/1972 trong lúc đang trở về khu họp chuẩn bị cho phong trào nổi dậy năm 1972; Liệt sỹ Tạ Hồng Sơn (tức Ba Long), cán bộ Phòng bảo vệ giáo dục chi viện cho An ninh khu 8, đồng chí là Thị uỷ viên, Phó trưởng Công an Tp. Mỹ Tho. Đồng chí Sơn đã anh dũng hy sinh ngày 21/6/1968 khi địch càn vào căn cứ; Liệt sỹ Huỳnh Sắc Kim (tức Ba Huỳnh, Huỳnh Lảo), cán bộ Phòng bảo vệ văn học nghệ thuật chi viện cho An ninh Trung trung Bộ, công tác tại Ty Công an tỉnh Quảng Đà. Tháng 02/1970, bị địch tập kích trên đường đi công tác, đồng chí Kim đã hy sinh anh dũng. Tấm gương anh dũng hy sinh của các đồng chí đã làm rạng rỡ truyền thống của Ngành, làm vẻ vang cho lực lượng ANCTNB…

Theo đề cương tuyên truyền Cục An ninh chính trị nội bộ
(Còn nữa)