Những vấn đề cần nắm vững khi tiến hành thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra của Đảng

1396
Đánh giá bài viết

Trong những năm qua, ở Đảng bộ Công an tỉnh công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đã được các cấp uỷ và Uỷ ban Kiểm tra hai cấp của Đảng bộ quan tâm thực hiện và đã được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, đặc biệt là công tác thẩm tra, xác minh chất lượng không cao, dẫn đến các kết luận kiểm tra thiếu thuyết phục, lúng túng trong khâu xử lý vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. 

Trong công tác kiểm tra của Đảng, thì việc thẩm tra, xác minh có vai trò rất quan trọng. Chất lượng và kết quả của hoạt động thẩm tra, xác minh trực tiếp quyết định độ chính xác của các kết luận và độ xác đáng của các quyết định xử lý của tổ chức đảng có thẩm quyền đối với đối tượng kiểm tra. Yêu cầu cơ bản đối với công tác kiểm tra là đánh giá khách quan, kết luận chính xác ưu điểm, khuyết điểm, nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra để có quyết định hoặc đề nghị cấp ủy có thẩm quyền quyết định xử lý đúng. Chất lượng thẩm tra, xác minh quyết định tính chính xác của các kết luận kiểm tra, qua đó quyết định chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra.

Thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra là nhằm làm rõ đúng, sai, vi phạm hay không vi phạm của đối tượng được kiểm tra nên có tác dụng minh oan cho những đảng viên, tổ chức đảng bị oan sai, xử lý những tổ chức đảng và đảng viên vi phạm nhằm giáo dục đảng viên đồng thời cảnh báo, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng trong Đảng. Hoạt động kiểm tra nói chung, hoạt động thẩm tra xác minh nói riêng đều nhằm góp phần làm cho nội bộ Đảng trong sạch, vững mạnh.

Để công tác thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra của Đảng đạt chất lượng, hiệu quả, đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải nắm vững và thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra của Đảng phải được tiến hành theo nguyên tắc và phương pháp công tác đảng: “Công khai, dân chủ, dựa vào tổ chức đảng, phát huy tính tự giác của tổ chức đảng và đảng viên, phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng”. Trong quá trình thẩm tra, xác minh tuyệt đối không được sử dụng các biện pháp nghiệp vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Hoạt động thẩm tra, xác minh phải được thực hiện theo các khâu: Lập kế hoạch thẩm tra, xác minh; tiến hành thẩm tra, xác minh; báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh và sử dụng kết quả thẩm tra, xác minh để kết luận và xử lý (nếu có vi phạm) theo thẩm quyền.

Thứ hai, thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra của Đảng là một trong những khâu quan trọng và khó khăn nhất của công tác kiểm tra. Để thẩm tra, xác minh tốt đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải có nghiệp vụ cao, bản lĩnh vững vàng, trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, nắm vững nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nắm vững phương pháp công tác đảng, tránh định kiến cá nhân và các tư tưởng hữu khuynh khác. 

Thứ ba, thẩm tra, xác minh để làm rõ sự thật thông qua các tài liệu, thông tin, bằng chứng, tự phê bình và phê bình, tự kiểm điểm, lời khai, lời tố cáo, quần chúng phát hiện… trong đó, bằng chứng xác thực là quan trọng nhất. Phải đặc biệt coi trọng bằng chứng, tìm cho được bằng chứng, kể cả bằng chứng vi phạm và bằng chứng không vi phạm. Không có bằng chứng xác thực thì không thể kết luận được.

Thứ tư, để thu thập bằng chứng từ các tổ chức và cá nhân có liên quan, cán bộ kiểm tra cần làm tốt việc thiết lập quan hệ giao tiếp để tạo không khí cởi mở, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau. Muốn vậy, cán bộ kiểm tra cần tìm hiểu đặc điểm của đối tượng tiếp xúc, quá trình công tác, vị trí và mối quan hệ xã hội, hoàn cảnh gia đình, môi trường công tác và cả tính cách của đối tượng để lựa chọn cách ứng xử phù hợp. Điều đáng lưu ý là đối tượng kiểm tra có thể có vị trí và mối quan hệ xã hội rộng, sự từng trải, có kinh nghiệm sống, trình độ cao, do vậy, cán bộ kiểm tra phải nhận thức rõ vị thế và trách nhiệm của mình là người đại diện cho tổ chức có thẩm quyền thực hiện chức trách, quyền hạn được giao; chủ động tiếp cận, ứng xử phù hợp, giữ vững nguyên tắc, nhưng khiêm tốn, chân thành và nghiêm túc, thông cảm với đối tượng; chăm chú lắng nghe khi đối tượng trình bày, biết tự chủ, kiềm chế, khéo léo điều chỉnh khi họ đi lạc đề. Phải biết cách gợi mở vấn đề, để thu thập bằng chứng; có cách ứng xử phù hợp với các tình huống xảy ra trong quá trình làm việc. 

Thứ năm, trước khi tiếp xúc cần chuẩn bị các câu hỏi đặt ra với đối tượng; câu hỏi phải rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, có cơ sở và có liên quan đến vấn đề cần xác minh. Trong câu hỏi tránh bao hàm câu trả lời, tránh lộ ý định, tránh làm đối tượng lo ngại. Câu hỏi phải theo trình tự hợp lý và bảo đảm sự liên hệ giữa câu hỏi trước với câu hỏi sau. Trong quá trình làm việc có thể xuất hiện những tình tiết mới phải đặt thêm câu hỏi để làm rõ. Có nhiều loại câu hỏi: Câu hỏi để làm rõ tình tiết sự việc, câu hỏi bổ sung ý kiến đã trình bày, câu hỏi khẳng định độ chính xác của lời trình bày, câu hỏi gợi nhớ lại và câu hỏi kiểm tra, câu hỏi nhằm phát hiện mâu thuẫn, câu hỏi vạch rõ sự trình bày không thành thật, thiếu tự giác. Chú ý tránh cách hỏi dồn dập, hỏi vặn, không vội đồng tình hay phủ nhận và đưa những câu hỏi ít đụng chạm đến quyền lợi trước rồi chuyển dần sang những câu hỏi đụng chạm nhiều đến quyền lợi. Ngoài ra, việc chọn địa điểm và thời gian thích hợp cũng là điều kiện cần thiết để thiết lập quan hệ giao tiếp. 

Thứ sáu, phải đảm bảo giữ bí mật, bảo vệ người cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng và giữ bí mật các tài liệu thẩm tra, xác minh thu thập được trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đại tá Lê Xuân Thắng                  

Phó Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Công an tỉnh