Trang chủ Tin hoạt động Hoạt động Công an tỉnh Nỗi niềm những chiến sỹ chữa cháy

Nỗi niềm những chiến sỹ chữa cháy

50
Đánh giá bài viết

Đưa tay chỉ về chiếc xe thang chữa cháy mới được trang cấp, Thượng tá Văn tự hào nói “Đây là loại xe hiện đại nhất mà chúng tôi từng có, với trị giá cả chục tỷ. Có khả năng tiếp cận chữa cháy ở những tòa nhà cao tầng và rất hiệu quả trong công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ”.

Để vận hành được hệ thống thang cao gần 30m và hàng loạt chi tiết khác phục vụ công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ được trang bị trên phương tiện này là cả một vấn đề. Việc hàng ngày là kiểm tra máy móc, hoạt động của phương tiện và bắt buộc các lái xe phải vận hành thuần thục và làm chủ được các tính năng, hoạt động của các chi tiết. 

 

Thượng tá Võ Quốc Văn hướng dẫn kiểm tra phương tiện chữa cháy.
Thượng tá Võ Quốc Văn hướng dẫn kiểm tra phương tiện chữa cháy.

 “Nếu lỡ bấm nhầm hoặc thao tác không khớp với tình huống, khẩu lệnh chỉ huy thì rất có thể mất tính năng, hiệu quả của công tác chữa cháy và bắt buộc máy lại phải khởi động lại từ đầu. Vì vậy, việc thực tập, luyện tập được diễn ra hàng ngày và bắt buộc cán bộ vận hành phải đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật và tuyệt đối không xảy ra sai sót”, Thượng tá Văn chia sẻ.

Những hình ảnh quen thuộc hàng ngày là việc thường xuyên luyện tập của những chiến sỹ PCCC.

Đối với những phương tiện khác được trang bị phục vụ chữa cháy hiện nay thì lượng nước chứa trên xe dao động từ 3,5m³ đến 7m³. Khi tham gia chữa cháy thì với loại ống có kích cỡ 66mm chưa đầy 4 phút thì đã hết nước, còn đối với loại ống kích cỡ 50mm thì chỉ gần 7 phút. Trong khi đó, hiện nay việc bố trí các trụ tiếp trên địa bàn chưa hợp lý, khoảng cách quá xa và ít nên việc thực hiện quá trình tiếp nước mất thời gian và rất khó khăn. Do vậy, việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với những vụ cháy lớn, khó tiếp cận…vv..

Thượng tá Văn tâm sự “Có lẽ vẫn còn nhiều người chưa hiểu và đặt câu hỏi vì sao đi chữa cháy mà trong xe lại ít nước vậy? Rồi vì sao dập lửa lại khó khăn vậy?…vv… “Nhất thủy, nhì hỏa”, cái điều mà ai cũng biết rõ và điều chúng tôi gặp khó hơn là  không thể nào biết trước được vụ cháy sẽ diễn ra, tất cả đều bất ngờ. Trong các vụ mà chúng tôi tham gia chữa cháy hầu hết đều xảy ra ở những khu vực đông dân cư, khó tiếp cận, khoảng cách xa và các đám cháy xuất phát từ những vật liệu dễ cháy, dễ lan rộng, gây cháy lớn, khiến việc tiếp cận chữa cháy cũng như triển khai án chữa cháy gặp khó khăn, điển hình là các vụ cháy chợ, các công trình nhà ở, các phương tiện ô tô…vv.. “.

Thế nhưng, khó ai hiểu và thông cảm được tâm trạng của những chiến sỹ chữa cháy lúc đó, có ai đong đếm được lòng dũng cảm và không ngại hiểm nguy để chữa cháy, để cứu người, cứu tài sản….vv… khi mà chính họ, những người lính chữa cháy không biết điều gì đang chờ đợi họ ở phía trước. Cái hình ảnh đối lập đó dường như chẳng mấy ai nhận ra “Khi tất cả mọi người đều cố chạy thoát ra khỏi đám cháy thì chúng tôi lại phải xông vào…..”, Trung tá Hoàng Thanh Chiến – Đội trưởng Đội chữa cháy Trung tâm, bộc bạch.

Trong cuộc chiến với “giặc lửa” luôn có những tình huống khó lường mà chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tín mạng. Trung tá Hoàng Thanh Chiến cho biết “Những người lính chữa cháy thường phải đối mặt với những đám cháy mà ở đó biết bao sự hiểm nguy đón chờ, như nhiệt độ cao, khói khí độc, sự sụp đổ của kết cấu xây dựng và phát nổ của các chai chứa khí, chất lỏng dễ cháy…vv… Vì vậy, yêu cầu đầu tiên của mỗi người lính chữa cháy là phải rèn luyện bản thân có một tinh thần thép, không ngại hiểm nguy, gian khổ và kết hợp việc thường xuyên luyện tập nâng cao kỹ năng, chiến thuật để tham gia chữa cháy có hiệu quả, kịp thời cứu người, cứu tài sản của nhân dân nhanh nhất và an toàn nhất”.

“Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, đó là điều mà Thiếu úy Nguyễn Hoài Nam – Đội chữa cháy trung tâm luôn luôn xác định để luyện tập. Cái nắng của tiết trời miền Trung, hay cả những cơn mưa dầm của tiết trời tháng 9, nhưng chúng tôi vẫn quen thuộc với hình ảnh hăng say luyện tập, rèn luyện của những chiến sỹ PCCC với những bài tập ắt hẳn người phải có “gan trời” mới dám thực hiện, như nhảy lửa, leo nhà cao tầng, khuân vác vật nặng, vượt vật cản, các tình huống giả định khi đám cháy xảy ra, thực hành kỹ năng cứu người trong các tình huống nguy hiểm, khẩn cấp…vv…

Như lời Thượng tá Văn nói “Kiến thức anh có thể học, sức khỏe có thể rèn luyện, nhưng với người lính PCCC nếu không có lòng dũng cảm thì sẽ không bao giờ dám đương đầu với đám cháy, chứ đừng nói đến việc phải khống chế nó. Vì vậy, bài học đầu tiên bắt đầu với mỗi người lính chữa cháy là luyện được tinh thần thép.

Để một vụ chữa cháy thành công bên cạnh những yếu tố về con người, phương tiện, trang thiết bị, những kỹ năng cần thiết…vv… thì có một điều không kém phần quan trọng, mang tính quyết định chính là thời gian. Chính vì vậy, câu khẩu hiệu mà cán bộ chiến sỹ Đội chữa cháy là “Nhanh nhất, hiệu quả nhất và an toàn nhất” luôn tâm niệm để thực hiện. Bất kỳ thời điểm nào, lúc nào thì với những chiến sỹ chữa cháy cứ hễ chuông reo là chạy, việc “lên ca” diễn ra thường xuyên do phải trực đủ đầu xe và khép kín 24/24 giờ để lúc nào cũng có thể hoạt động hết công suất. Dù đã được tập luyện kỹ, được trang bị khá đầy đủ phương tiện, công cụ và chiến thuật nhưng không phải lúc nào ra quân, lính cứu hỏa cũng đạt được hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, không ít vụ khiến những người lính kiên cường ấy phải rơi nước mắt, bởi sự hung tàn của “giặc lửa” đã đem đến nỗi đau thương không dễ nguôi ngoai cho nhiều gia đình…

Câu chuyện chưa trọn vẹn thì tiếng còi báo động vang lên, những bước chân vội vàng và chiếc xe chữa cháy mất hút trong giây lát. Giây phút lắng lại trong tôi, với những cảm thông với công việc của người lính chữa cháy, cái nghề luôn trong tư thế bất thình lình và luôn chiến đấu quên mình với giặc lửa để giành lại cái đã mất. Cầu mong các anh sẽ thêm những lần chiến thắng được “giặc lửa” và tiếp tục viết thêm những chiến tích mới ở đơn vị từng được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trần Tuấn
 
 
Skip to content