PAPI 2018: Người dân hài lòng hơn với dịch vụ công, song đói nghèo vẫn là thách thức

66
Đánh giá bài viết

Sáng 2-4, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2018.

Chỉ số PAPI 2018 được đo lường qua các chỉ tiêu cấu thành 8 nội dung, gồm 6 nội dung gốc (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công) và hai nội dung mới là quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Tại sự kiện công bố Báo cáo PAPI 2018.

Người dân ghi nhận tiến bộ

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Caitlin Wiesen – Quyền trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNPD) tại Việt Nam cho biết bà ấn tượng với kết quả quả thống kê PAPI lần này nhờ xu hướng tích cực trong hầu hết các chỉ số.

Bà Wiesen nhấn mạnh, 2018 là năm đầu tiên người dân cho thấy có sự cải thiện trong cả 6 trục nội dụng cơ bản, lấy ví dụ như việc tham nhũng ở các bệnh viện cấp huyện giảm mạnh và người dân ngày càng hài lòng hơn với thủ tục hành chính công như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Báo cáo chi tiết được công bố cũng chứng minh, trong năm qua, phần lớn trong số 14.300 người dân ngẫu nhiên được hỏi nói rằng họ ghi nhận nỗ lực cải thiện dịch vụ và thủ tục hành chính công ở các địa phương, với điểm của các tỉnh thành phố đạt được dao động từ 6,9 đến 7,95 (trên thang điểm 10).

Người dân trên toàn 63 tỉnh, thành cả nước cũng tương đối hài lòng với các dịch vụ công căn bản như y tế, giáo dục (với 87% người dân có bảo hiểm y tế); ghi nhận việc các cấp chính quyền cơ sở đã tương tác nhiều hơn với người dân cũng như cơ chế “một cửa” ở cấp xã/phường được cải thiện.

Đáng chú ý, gần 60% số người dân trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp xã, phường đã thuyên giảm trong ba năm qua; khoảng 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm.

Người dân ghi nhận những cải thiện trong lĩnh vực hành chính công.

Liên quan tới lĩnh vực bình đẳng giới, một trong những chính sách ưu tiên trong nghị trình phát triển ở Việt Nam, ông Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam nhận định: “Những phát hiện từ Báo cáo PAPI 2018 cho thấy Việt Nam có cơ hội lớn trong việc bầu chọn phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý khu vực Nhà nước”.

Tại từng địa phương, bản báo cáo cũng cho biết, đặc điểm phân bố số điểm theo vùng, miền dường như ít thay đổi qua các năm ở cấp độ chỉ số nội dung. Các tỉnh Đông Bắc và Bắc Trung Bộ có xu hướng huy động người dân tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội tốt hơn các tỉnh phía Nam. 

Trong khi đó, ở chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, các tỉnh phía Nam như Bến Tre, Vĩnh Long, Tây Ninh lại có kết quả tốt nhất.

Còn đó những thách thức

Ngoài những điểm sáng và thay đổi tích cực, báo cáo PAPI 2018 vẫn ghi nhận một số vấn đề đáng lo ngại. Báo cáo cho rằng đói nghèo vẫn là vấn đề lớn, với việc đa số người dân coi đây là “vấn đề hệ trọng nhất”, dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm vừa qua đạt mức kỉ lục hơn 7%. Nhiều người lo ngại về khả năng bản thân hoặc gia đình trở lại đói nghèo sau khi đã thoát nghèo.

Bất bình đẳng thu nhập cũng là yếu tố làm người dân cảm thấy bất an. Theo khảo sát, 90% số người được hỏi có thu nhập dưới mức 20 triệu VND/tháng, và chỉ 1,7% có mức trên 40 triệu VND/tháng.

Đói nghèo vẫn được xem là vấn đề lớn phải giải quyết.

Bà Cait Moran, Đại sứ Ai-len tại Việt Nam nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch là việc cộng đồng người thiểu số tại Việt Nam hiện còn tương đối nghèo và gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận dịch vụ công căn bản.

Phát hiện chính từ thống kê chỉ số “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định” cho thấy, từ năm 2011 đến 2018, chưa đến một phần tư dân số có thể truy cập thông tin về quy hoạch sử dụng đất của địa phương và chưa đến một phần ba có cơ hội đóng góp ý kiến cho các bản quy hoạch sử dụng đất ở địa phương. 

Một điểm đáng chú ý khác là, kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy chỉ số của cả hai nội dung mới được đưa vào thống kê là “quản trị môi trường” và “quản trị điện tử” vẫn đang ở mức thấp.

Cụ thể, chỉ số “quản trị môi trường” đang ở dưới mức trung bình trên toàn quốc, điều này cho thấy người dân ở tất cả các tỉnh thành chưa hài lòng với chất lượng môi sinh và hiệu quả quản trị môi trường.

Người dân ngày càng có xu hưởng ủng hộ bảo vệ môi trường.

Bản báo cáo cũng nêu rõ người dân Việt Nam có xu hướng ngày càng ủng hộ mạnh mẽ hơn việc bảo vệ môi trường, với 74% người dân không muốn đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Đa số người trả lời ủng hộ chính sách xây dựng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu “sạch”.

Điểm chỉ số nội dung “quản trị điện tử” vẫn ở mức thấp. Mức điểm của các tỉnh thành chỉ dao động từ 1,93 điểm đến 4,24 điểm (thang điểm 10). Đây là vấn đề rất đáng quan tâm trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang có những bước đi mạnh mẽ với ưu tiên bắt kịp Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Bởi vậy, có thể nói, chính quyền cấp tỉnh hiện còn rất nhiều điều phải làm để cải thiện hiệu quả quản trị điện tử vì người dân. Điểm số này cũng đồng thời cho thấy chính quyền còn rất nhiều cơ hội phát triển chính quyền điện tử, thúc đẩy tương tác giữa chính quyền và công dân, doanh nghiệp qua internet.

Thiện Minh