Phân biệt tội làm nhục người khác và tội vu khống

1583
Đánh giá bài viết

Có thể nói tội làm nhục người khác và tội vu khống đều là tội xâm phạm đến khách thể là nhân phẩm, danh dự con người và được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp của người phạm tội được quy định tại Bộ luật hình sự 2015. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm giống nhau thì tội làm nhục người khác và tội vu khống cũng có các đặc điểm khác nhau.

 

Ảnh minh họa.

 

1. Về mặt khách quan:

– Tội làm nhục người khác:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 thì tội làm nhục người khác được thực hiện bằng hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

Các hành vi có thể bằng lời nói hoặc hành động với lỗi cố ý trực tiếp xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác như: lăng mạ, chửi rủa, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông,… nhằm mục đích hạ thấp nhân cách, danh dự, nhân phẩm của người khác mà đặc trưng của hành vi thường diễn ra trực tiếp và công khai trước nhiều người.

Ngoài ra để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình. Mà mục đích hướng đến là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

– Tội vu khống:

Theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 thì tội vu khống người khác là tội được thực hiện bằng hành vi Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Bằng các hành vi: Tạo ra những thông tin không đúng sự thực và loan truyền các thông tin đó mặc dù biết đó là thông tin không đúng sự thực; Tuy không tự đưa ra các thông tin không đúng sự thực nhưng có hành vi loan truyền thông tin sai do người khác tạo ra mặc dù biết rõ đó là những thông tin sai sự thực.

2. Về mặt khách thể: Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác.

3. Về mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Ý thức chủ quan của người phạm tội là mong muốn cho người bị hại bị hạ thấp danh dự, nhân phẩm.

4. Về mặt chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.

5. Hình phạt:

– Tội làm nhục người khác:  Xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác:

+ Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

+ Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm

+ Có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01- 05 năm.

– Tội vu khống: Tội vu khống có mức độ hình phạt cao hơn tội làm nhục người khác. Theo đó, thực hiện hành vi vu khống tùy từng trường hợp thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.

– Có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

6. Cơ sở pháp lý

– Tội làm nhục người khác: Điều 155- Bộ luật hình sự 2015

– Tội vu khống: Điều 156- Bộ luật hình sự 2015

 

Tiêu Dao