Phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

809
Đánh giá bài viết

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Bình có nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của các loại hình dịch vụ kinh doanh, các nhà cao tầng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, chợ, trung tâm thương mại, các nhà máy, xí nghiệp với quy mô lớn, có nguy cơ cháy, nổ cao; số lượng cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) cũng tăng lên nhanh chóng. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 3000 cơ sở thuộc diện phải quản lý về PCCC, trong đó phòng Cảnh sát PCCC và CNCH quản lý 2.133 cơ sở. Hầu hết, các cơ sở đều tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ và cháy lớn.

Trong những năm gần đây, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh ta ngày càng diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 62 vụ cháy, làm chết 02 người, bị thương 03 người, gây thiệt hại về tài sản 11.793.320.000 đồng và 63,96 ha rừng. Trong khi phương tiện chữa cháy của phòng PC66 đa phần đã cũ, lại hư hỏng thường xuyên, chưa tương xứng sự phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà nên nếu có cháy lớn xảy ra thì rất khó khăn trong công tác chữa cháy. Vì vậy, trong công tác PCCC, vai trò của lực lượng và phương tiện tại chỗ là cực kỳ quan trọng. Về nguyên tắc hoạt động, Luật PCCC đã xác định phải huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PCCC; mọi hoạt động PCCC trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ. Nếu lực lượng tại chỗ hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt công tác phòng ngừa, phát hiện và chữa cháy kịp thời khi đám cháy mới phát sinh sẽ làm hạn chế phát sinh cháy, nổ và cháy lớn, đồng thời giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi có cháy, nổ xảy ra. Muốn thực hiện được điều đó, cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác PCCC; quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh phương châm 4 tại chỗ đó là: “Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC tại Khách sạn Tường Minh

Tuy nhiên, trong công tác PCCC, qua kiểm tra, đánh giá của phòng Cảnh sát PCCC&CNCH nhận thấy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác PCCC còn rất yếu, việc tổ chức các hoạt động phòng cháy tại chỗ và chữa cháy ban đầu chưa có hiệu quả. Lực lượng chữa cháy tại chỗ tuy đã được bồi dưỡng về nghiệp vụ PCCC nhưng ở nhiều nơi hiệu quả tổ chức chữa cháy ban đầu vẫn chưa cao, phát hiện và báo cháy chậm là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Công tác tự kiểm tra an toàn PCCC chưa được tiến hành thường xuyên, chưa có biên bản kiểm tra theo quy định; nhiều cơ sở chưa tổ chức phối hợp, thực tập phương án chữa cháy giữa các lực lượng; chưa đầu tư kinh phí thường xuyên cho công tác PCCC và CNCH dẫn đến các phương tiện PCCC và CNCH hư hỏng, xuống cấp, nhiều nơi còn thiếu và thô sơ; nhiều tổ, đội PCCC chưa được tập huấn nghiệp vụ PCCC và CNCH theo quy định; vẫn còn tình trạng thống kê báo cáo giảm về số vụ cháy và thiệt hại so với thực tế do sợ trách nhiệm, tình trạng vi phạm các quy định về PCCC vẫn còn phổ biến. Đặc biệt ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở tư nhân và các hộ gia đình cá thể tuy có tăng lên nhưng đa phần vẫn còn chủ quan, chưa đáp ứng với yêu cầu nên việc tổ chức công tác PCCC tại cơ sở chưa đồng bộ dẫn đến số vụ cháy xảy ra ở nhóm đối tượng này chiếm đa số. Công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chất lượng hoạt động của một số mô hình còn yếu và nặng về hình thức, đối phó với cơ quan quản lý nhà nước về PCCC.

Do vậy, để phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCCC trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nhằm góp phần làm tốt công tác PCCC, giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, cần tổ chức thực hiện một số giải pháp sau:

1. Đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải tuân thủ và thực hiện tốt trách nhiệm theo quy định tại khoản 2, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; thành lập, duy trì hoạt động đội PCCC theo quy định của pháp luật; ban hành theo thẩm quyền nội quy và biện pháp về PCCC; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về PCCC; bảo đảm kinh phí cho hoạt động PCCC, sử dụng kinh phí PCCC đúng mục đích; trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện PCCC; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy; bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về PCCC; tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả do cháy gây ra; thực hiện nhiệm vụ khác về PCCC theo quy định của pháp luật.

2. Đối với UBND các cấp cần quan tâm hơn nữa tới công tác PCCC, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, chỉ thị tăng cường công tác PCCC trước các thời điểm nắng nóng, mùa khô, hạn, các dịp lễ, Tết, trong đó đặc biệt quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác PCCC. Tổ chức cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức ký cam kết hàng năm về đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở do mình quản lý, xây dựng phong trào quần chúng tham gia PCCC ở các cộng đồng dân cư, cơ sở.

3. Đối với phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh tăng cường phối hợp, kiểm tra an toàn PCCC các cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ đặc biệt là việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác PCCC; thường xuyên tuyên truyền, tập huấn các quy định của pháp luật và các kiến thức PCCC cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức; kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác PCCC. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng cấp tỉnh, cấp huyện và các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và cảnh báo cháy, nổ; dự báo nguy cơ cháy, nổ trong cộng đồng và đến tận người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Chủ động tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh, UBND các cấp kịp thời ban hành các văn bản về công tác PCCC để chỉ đạo, hướng dẫn người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về PCCC.

Thiếu tá, Ths Đặng Tất Chiến 

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH