Phòng chống bạo lực học đường và vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh trong tình hình hiện nay.

1286
Đánh giá bài viết

Thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường xảy ra ở một số địa phương trong cả nước, đã trở thành mối quan tâm của nhiều gia đình, nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội. Điển hình là vụ việc xảy ra vào ngày 07/10/2017, một học sinh lớp 7 trường THCS Trường Yên (Huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị một nhóm bạn học sinh đánh trên bục giảng. Xem lại những hình ảnh đó trên video clip, người xem vô cùng phẫn nộ và không tin vào chính mắt mình khi nạn nhân bị những người bạn học đánh dã man mà không có một lý do gì. Trước đó, vào ngày 22/09/2017 tại trường THPT Toàn Thắng (Huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) xảy ra sự việc em C.T.M.N ( Lớp 12A6) bị em D.T.N.Y (Lớp 12A10) và hai bạn học cùng lớp đánh bị thương phải vào điều trị tại bệnh viện. Nguyên nhân xảy ra những vụ bạo lực vừa qua là do xích mích mâu thuẫn cá nhân. Điều khiến cho mọi người bất bình là những người chứng kiến vụ việc không có hành động can ngăn, mà còn cổ vũ cho việc làm thiếu đạo đức này.

 

Bạo lực học đường gây ảnh hưởng đến nhân cách học sinh

 

Qua 2 trường hợp trên cho thấy, vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh hiện nay đang được sự quan tâm của toàn xã hội, nhà trường và gia đình. Ở Quảng Bình, thời gian qua tuy chưa xảy ra vụ bạo lực học đường nào nghiêm trọng. Nhưng thực tế có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng học sinh đánh nhau do mâu thuẫn cá nhân. Tình trạng những học sinh là ban cán sự lớp bắt nạt các bạn khác, như bắt chép bài và sai vặt… vẫn còn xảy ra ở các trường tiểu học.

Vấn đề bạo lực học đường có nhiều nguyên nhân, trong đó sự phát triển thiếu toàn diện về nhân cách, thiếu kỹ năng ứng xử, kỹ năng sống, sự sai lệch trong quan điểm sống dẫn đến thái độ tiêu cực trong nhận thức và hành động của một số học sinh. Đặc biệt là các em chưa định hình được lý tưởng sống đúng đắn, hướng thiện khiến bản thân dễ vi phạm; mặt khác phụ huynh ít quan tâm, không dành nhiều thời gian chăm sóc con cái, chưa có sự giáo dục đúng đắn là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hành vi bạo lực của học sinh. Nhiều trường học còn nặng về giáo dục kiến thức văn hóa thay vì giáo dục con người. Ngoài ra, việc quản lý không chặt chẽ từ phía nhà trường, sự thiếu quan tâm, theo dõi của giáo viên phụ trách lớp học, không có những giải pháp xử lý kịp thời, đúng đắn…đã làm cho tình trạng bạo lực học đường dễ nảy sinh và phát triển. Hình ảnh bạo lực xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, vì vậy trẻ thường làm theo, học theo những hành vi bạo lực ấy và áp dụng vào thực tiễn gây nên nhiều vụ việc đau lòng với những hệ quả không thể lường trước được.

Thực tế ở Quảng Bình, các trường từ bậc tiểu học đến phổ thông đã có cố gắng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhưng vẫn còn không ít phụ huynh khi xem những hình ảnh bạo lực học đường trên mạng đã thể hiện sự lo lắng cho con em mình. Chị Mai Thanh Nhàn- TK5, phường Hải Đình cho biết: “Học sinh hiện nay không được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để ứng phó phù hợp với các sự việc xảy ra đến từ những yếu tố bên ngoài, cũng như các biến động xuất phát từ chính tâm sinh lý của các em. Một số nhà trường đã đưa kỹ năng sống vào dạy trong nhà trường như một môn học, nhưng tôi thấy vẫn chỉ là hình thức”. Học sinh Lê Duy, trường THPT Đào Duy Từ nhìn nhận: “Các bạn ngày nay tiếp xúc sớm với phim ảnh bạo lực, nhiều bạn học sinh có điều kiện thì chưng diện, ganh tỵ nhau, dẫn đến mâu thuẫn và đánh nhau. Một số bạn, ba mẹ chỉ lo làm ăn không quan tâm đến con cái, từ chỗ thiếu tình cảm và sự giáo dục của gia đình, các bạn trở nên hư hỏng”.

 

Những hoạt động ngoại khóa sẽ giúp học sinh hoàn thiện nhân cảnh. Ảnh ghi tại trường THPT Đào Duy Từ, Quảng Bình.

 

Đề cập đến vấn đề này, nhiều giáo viên cho biết: Ở trong nhà trường cần chú trọng dạy làm người trước khi dạy chữ. Vai trò của giáo viên chủ nhiệm hết sức quan trọng, cần theo sát học sinh, để tâm đến những em có cá tính, giúp các em học sinh nhận thấy mình có giá trị, có khả năng, mọi người yêu quý, tôn trọng và tin tưởng mình…để từ đó giúp các em phát huy nhân cách một cách trọn vẹn nhất.

 Để phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế tình trạng bạo lực học đường, ngày 05/09/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2017 quy định về môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Đây được xem là kỳ vọng sẽ hạn chế đến mức tối đa tình trạng bạo lực học đường từ năm học 2017-2018 và những năm tiếp theo. Theo Nghị định 80, tất cả cơ sở giáo dục đều phải có môi trường giáo dục mà người học được bảo vệ, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần; không có tệ nạn xã hội, không bạo lực. Người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa. Người học được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái; được phát huy dân chủ và tạo điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực.

 Trên cơ sở nghị định của Chính phủ, Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình  đã ban hành kế hoạch phối hợp với các ngành giáo dục, nhà trường trên địa bàn nhằm tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên về hậu quả, tác hại của bạo lực học đường, những kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường. Phối hợp hướng dẫn lồng ghép nội dung kiến thức về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống vi phạm pháp luật; phòng, chống bạo lực học đường vào chương trình, kế hoạch giáo dục của trường

    Hy vọng với sự vào cuộc của tất cả các ngành, sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình, tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn toàn quốc nói chung và ở Quảng Bình nói riêng sẽ được kiềm chế đến mức thấp nhất, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

 

                                                                                                                                                                                                  Thiên Ca