Quảng Bình: 6 tháng xử phạt hơn 700 trường hợp chở hàng quá khổ, quá tải, tự ký cơi nới kích thước thành thùng xe

552
Đánh giá bài viết

Từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Bình đã phát hiện, xử phạt 721 trường hợp vi phạm các quy định của pháp  luật về chở hàng quá khổ, quá tải, tự ý cơi nới kích thước thành thùng xe và một số lỗi vi phạm khác với tổng số tiền phạt gần 2,7 tỷ đồng. Những con số trên đã cho thấy sự đồng bộ, quyết liệt, của phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Bình trong công tác xử lý vi phạm, nhằm ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm về chở hàng quá khổ, quá tải, góp phần đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng CSGT kiểm tra các phương tiện ô tô chở hàng quá khổ, quá tải, tự ký cơi nới kích thước thành thùng xe.

Trong số 721 trường hợp bị lực lượng CSGT, Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện, xử phạt có 13 trường hợp bị tạm giữ phương tiện, 236 trường hợp bị tước giấy phép lái xe. Trong đó xử phạt lỗi chở hàng quá tải 95 trường hợp, chủ xe giao xe cho người chở hàng quá tải 66 trường hợp, chở hàng quá chiều cao, chiều dài 47 trường hợp, xử phạt chủ xe giao xe 23 trường hợp. Lắp thùng xe không đúng kích thước thiết kế của nhà sản xuất 62 trường hợp, xử phạt chủ xe 55 trường hợp. Xử phạt lỗi không có bạt che phủ 181 trường hợp và không có phù hiệu 7 trường hợp.

Để có được kết quả trên, Phòng CSGT, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho Ban ATGT tỉnh, lãnh đạo Công an tỉnh xây dựng các kế hoạch chuyên đề, công văn để triển khai thực hiện, đôn đốc kiểm tra công tác xử lý quá tải trên địa bàn toàn tỉnh. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, nhằm góp phần nâng cao nhận thức pháp luật về TTATGT cho quần chúng nhân dân, đặc biệt, là vấn đề xử lý xe quá tải và việc chấp hành quy định về trọng tải của xe ôtô khi tham gia giao thông trên đường bộ. Hậu quả, tác hại của xe quá tải đối với ATGT, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhằm nâng cao trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh vận tải, các chủ phương tiện, lái xe trong việc chấp hành các quy định về kiểm soát tải trọng xe.

Lập biên bản các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, sử dụng các hình ảnh hoạt động của kiểm tra tải trọng để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thu hút sự quan tâm và ủng hộ của nhân dân và các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh. Tổ chức ký cam kết chấp hành quy định về trọng tải của xe ôtô khi tham gia giao thông trên đường bộ của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn. Song song với công tác tuyên truyền, Phòng CSGT, Công an tỉnh đã  chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát đường bộ, bảo đảm khép kín địa bàn 24/24h, bố trí các ca chuyên đề kiểm tra xử lý hành vi vi phạm chở quá khổ, quá tải trên đường bộ. Trang cấp thêm các trang thiết bị như cân tải trọng để nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT vẫn còn gặp một số khó khăn như: nhận thức về việc chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, các quy định về vận tải hàng hóa bằng xe ô tô của một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe chưa cao do chạy theo lợi nhuận nên khoán sản phẩm vận chuyển cho lái xe dẫn đến vi phạm; tự ý cải tạo, cơi nới thùng xe để chở hàng quá tải… Các cơ quan Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, quản lý Kho cảng, bến bãi… chưa vào cuộc mạnh mẽ, chưa quản lý được việc xếp hàng hóa lên xe ô tô, vi phạm chưa được xử lý tại nơi xuất phát.

Buộc các chủ phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải, tự ký cơi nới kích thước thành thùng xe phải tháo dỡ, bắt bỏ.

Các Hiệp hội vận tải chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động các hội viên chấp hành quy định về tải trọng xe. Một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, nhất là các xe ô tô có kết cấu tự đổ (xe tải ben) đã được chủ xe tự ý lắp thêm thùng bệ để phục vụ việc chở quá tải. Khi chở hàng hóa còn xếp hàng cao hơn thùng ben; bạt che phủ không đảm bảo, làm rơi vãi trên đường, gây mất ATGT và vệ sinh môi trường, đồng thời làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Vì vậy, trong thời gian tới, để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, ngoài sự ra quân quyết liệt của lực lượng CSGT, thì rất cần sự vào cuộc , phối hợp, đồng bộ của các sở, ngành, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng khác. Và một yếu tố quan trọng hơn cả đó chính là mỗi người dân, đặc biệt là các chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện chở hàng hóa cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng giao thông và trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Văn Chín – Trần Tuấn