Quốc hội quyết định 10 nhiệm vụ vì mục tiêu xây dựng nông thôn mới

34
Đánh giá bài viết

     Sáng ngày 23/11/2016, tại Hội trường Diên Hồng, 95,3 % ĐBQH đã thống nhất thông qua Nghị Quyết giám sát xây dựng nông thôn mới, với 10 nhiệm vụ trọng tâm.

Nghị quyết quyết nghị: Phấn đấu đến năm 2020 cả nước có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

nongthonmoi

 

Nghị Quyết yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Nghiên cứu sửa đổi những tiêu chí chưa phù hợp của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Xây dựng các tiêu chí nâng cao để áp dụng cho các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch không còn phù hợp.

2. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình. Xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm trước năm 2019, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới. Riêng các địa phương tự cân đối ngân sách (trừ tỉnh Quảng Ngãi theo Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020) phải chủ động bố trí ngân sách địa phương để cơ bản xử lý dứt điểm số nợ đọng trước tháng 6 năm 2018.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân người đứng đầu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định, có hành vi tham nhũng, trục lợi trong thực hiện Chương trình.

3. Triển khai Chương trình phải đặt mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, đổi mới cơ cấu sản xuất, gắn kết chặt chẽ với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân khu vực nông thôn cả nước tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015. Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân nông thôn như giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, vệ sinh môi trường.

Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển; phấn đấu đến năm 2020 có 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; thúc đẩy và nhân rộng các mô hình liên doanh, liên kết có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

4. Nghiên cứu sửa đổi chính sách về đất đai để khuyến khích tích tụ ruộng đất, tiến hành cơ giới hóa, tạo điều kiện sản xuất hàng hóa lớn; có chính sách đột phá về khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ mạnh hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông thôn, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường gắn kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học) trong sản xuất nông nghiệp tạo chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm; tăng sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Thực hiện hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 40%; nâng cao hiệu quả chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn.

5. Thực hiện phối hợp hiệu quả các nguồn vốn, ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm; gắn kết chặt chẽ giữa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu khác. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu; ngoài nguồn vốn đã được Quốc hội bố trí cần có giải pháp huy động thêm các nguồn lực hợp pháp khác; các địa phương phải có trách nhiệm bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật để thực hiện Chương trình. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã bãi ngang ven biển và hải đảo, xã nghèo, xã an toàn khu, vùng căn cứ cách mạng, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

6. Ban hành chính sách bảo hiểm gắn với tái bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp áp dụng cho các loại sản phẩm nông nghiệp chủ yếu.

7. Củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách nhưng không làm tăng biên chế; tăng cường đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ cộng đồng thôn, bản làm công tác xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng thực hiện chương trình, kỹ năng lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, kỹ năng tổ chức thực hiện các dự án do cộng đồng dân cư tự thực hiện, kỹ năng tài chính, kế toán cho cán bộ thôn, xã làm công tác triển khai các dự án thuộc Chương trình.

8. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân. Thường xuyên cập nhật, đưa tin phổ biến cách làm hay, các mô hình hiệu quả, gương điển hình tiên tiến về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kịp thời khuyến khích, động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

9. Giữ vững mục tiêu bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực nông thôn, đồng thời có biện pháp hạn chế tiêu cực, tệ nạn xã hội, kiềm chế tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức khỏe nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và đô thị hóa nông thôn; giải quyết có hiệu quả, kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trên địa bàn dân cư góp phần xây dựng đời sống văn hóa đoàn kết, dân chủ, văn minh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của các vùng, miền. Sớm có giải pháp tích cực xử lý cơ bản vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, làng nghề, tạo cảnh quan môi trường nông thôn mới xanh, sạch, đẹp và cải thiện điều kiện sống của dân cư.

10. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và xử lý nghiêm đối với những vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Chương trình. Tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Hoàn thiện cơ chế để cộng đồng dân cư trực tiếp tham gia thực hiện, giám sát các dự án đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dự án.

Điều 3 Nghị quyết cũng đã quyết nghị giao Chính phủ và hệ thống chính quyền các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết này đồng thời với việc báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia tại Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội.

Tiêu Dao