Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

292
Đánh giá bài viết

Cổng Thông tin điện tử Công an tỉnh Quảng Bình trân trọng giới thiệu bố cục cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 19/11/2018.

 

Ảnh minh họa.

 

Luật Phòng, chống tham nhũng (Luật PCTN) năm 2018, gồm có 10 chương với 96 điều, cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung: gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8), quy định về phạm vi điều chỉnh; các hành vi tham nhũng; giải thích từ ngữ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong PCTN; quyền và nghĩa vụ của công dân trong PCTN; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN; giám sát công tác PCTN; các hành vi bị cấm.

Chương II. Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị: gồm 06 mục, 46 điều (từ Điều 9 đến Điều 54), cụ thể như sau:

+ Mục 1. Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị: gồm 09 điều (từ Điều 9 đến Điều 17), quy định về nguyên tắc công khai, minh bạch; nội dung công khai, minh bạch; hình thức công khai; trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch; họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; quyền yêu cầu cung cấp thông tin; trách nhiệm giải trình; báo cáo, công khai báo cáo về công tác PCTN; tiêu chí đánh giá về công tác PCTN.

+ Mục 2. Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị: gồm 02 điều (Điều 18 và Điều 19), quy định về xây dựng, ban hành và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

+ Mục 3. Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị: gồm 04 điều (từ Điều 20 đến Điều 23), quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; thẩm quyền ban hành quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; tặng quà và nhận quà tặng; kiểm soát xung đột lợi ích.

+ Mục 4. Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị: gồm 03 điều (từ Điều 24 đến Điều 26), quy định về nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác; vị trí công tác và thời hạn phải định kỳ chuyển đổi; kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác.

+ Mục 5. Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt: gồm 03 điều (từ Điều 27 đến Điều 29), quy định về cải cách hành chính; ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý; thanh toán không dùng tiền mặt.

+ Mục 6. Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị: gồm 06 tiểu mục, 25 điều (từ Điều 30 đến Điều 54), cụ thể như sau:

Tiểu mục 1. Thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong kiểm soát tài sản, thu nhập, gồm 03 điều (từ Điều 30 đến Điều 32), quy định về Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập.

Tiểu mục 2. Kê khai tài sản, thu nhập, gồm 08 điều (từ Điều 33 đến Điều 40), quy định về nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; tài sản, thu nhập phải kê khai; phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập; tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập; tiếp nhận, quản lý, bàn giao bản kê khai tài sản, thu nhập; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; theo dõi biến động tài sản, thu nhập.

Tiểu mục 3. Xác minh tài sản, thu nhập, gồm 11 điều (từ Điều 41 đến Điều 51), quy định về căn cứ xác minh tài sản, thu nhập; thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập; nội dung xác minh tài sản, thu nhập; trình tự xác minh tài sản, thu nhập; quyết định xác minh tài sản, thu nhập; tổ xác minh tài sản, thu nhập; quyền và nghĩa vụ của người được xác minh tài sản, thu nhập; báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập; Kết luận xác minh tài sản, thu nhập; công khai Kết luận xác minh tài sản, thu nhập; xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực.

Tiểu mục 4. Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, gồm 03 điều (từ Điều 52 đến Điều 54), quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; trách nhiệm xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; bảo vệ, lưu trữ, khai thác, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

– Chương III. Phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị: gồm 03 mục, 15 Điều (từ Điều 55 đến Điều 69), cụ thể như sau:

+ Mục 1. Công tác kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị: gồm 04 điều (từ Điều 55 đến Điều 58), quy định về công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước; công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm tra hoạt động chống tham nhũng trong Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân; hình thức kiểm tra.

+ Mục 2. Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán: gồm 06 điều (từ Điều 59 đến Điều 64) quy định về phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử và xử lý đề nghị của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử; phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán; thẩm quyền của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước trong thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; trách nhiệm xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán; công khai Kết luận thanh tra, Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

+ Mục 3. Phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng: gồm 05 điều (từ Điều 65 đến Điều 69), quy định về phản ánh, tố cáo và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng; báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng; bảo vệ người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng; khen thưởng người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng; trách nhiệm của người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng.  

Chương IV. Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN: gồm 04 Điều (từ Điều 70 đến Điều 73) quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác; trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xẩy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xẩy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Chương V. Trách nhiệm của xã hội trong PCTN: gồm 04 Điều (từ Điều 74 đến Điều 77), quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo; trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề; trách nhiệm của công dân, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. 

Chương VI. PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước: gồm 02 mục, 05 điều (từ Điều 78 đến Điều 82), cụ thể như sau:

+ Mục 1. Xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng: gồm 02 điều (Điều 78 và Điều 79), quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh; xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng

+ Mục 2. Áp dụng luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước: gồm 03 điều (từ Điều 80 đến Điều 82), quy định về áp dụng các biện pháp PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; phát hiện tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Chương VII. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong PCTN: gồm 06 điều (từ Điều 83 đến Điều 88), quy định về đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng; trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ; trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp; trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước; trách nhiệm phối hợp của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.

Chương VIII. Hợp tác quốc tế về PCTN: gồm  02 Điều (Điều 89 và Điều 91), quy định về nguyên tắc chung về hợp tác quốc tế; trách nhiệm thực hiện hợp tác quốc tế; hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng.

Chương IX. Xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN: gồm 02 mục, 04 điều (từ Điều 92 đến Điều 95), cụ thể như sau:

+ Mục 1. Xử lý tham nhũng, gồm 02 điều (Điều 92 và Điều 93), quy định về xử lý người có hành vi tham nhũng; xử lý tài sản tham nhũng;

+ Mục 2. Xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN: gồm 02 điều (từ Điều 94 đến Điều 95), quy định về xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Chương X. Điều khoản thi hành: 01 điều (Điều 96), quy định về hiệu lực thi hành.

 

Tiêu Dao