Quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam

80
Đánh giá bài viết

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 120/2017/NĐ-CP gồm 5 chương 20 điều quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

 

Ảnh minh họa.

 

Nghị định này quy định chi tiết về chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế (gọi chung là chế độ) đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kinh phí bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ; việc thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài.   

Theo đó, Nghị định này áp dụng đối với các cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam, người bị tạm giữ, người bị tạm giam, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

* Về định mức ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định quy định cụ thể định mức ăn trong một tháng của người bị tạm giam gồm: 17 kg gạo tẻ loại trung bình, 0,5 kg đường loại trung bình, 15 kg rau, 0,7 kg thịt, 0,8 kg cá, 01 kg muối, 0,75 lít nước chấm, 0,1 kg bột ngọt và chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than, 45 kw/h điện, 3 m3 nước để đảm bảo phục vụ ăn, uống và sinh hoạt của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Định mức ăn của người bị tạm giữ, người bị tạm giam ốm đau, bệnh tật, thương tích do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định theo chỉ định của cơ sở y tế điều trị, nhưng không quá 02 lần so với tiêu chuẩn ăn ngày thường; Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hưởng định mức ăn như người bị tạm giữ, người bị tạm giam khác và được ăn tăng thêm 30% định lượng về thịt, cá. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sinh con được thanh toán viện phí và bồi dưỡng bằng hiện vật trị giá tương đương 30 kg gạo tẻ loại trung bình.

* Về chế độ mặc và tư trang của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, Khoản 1 Điều 6 Nghị định quy định người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng quần, áo, chăn, chiếu, màn và các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của cá nhân, nếu thiếu thì cơ sở giam giữ cho mượn theo tiêu chuẩn mỗi người gồm: 01 chiếu, 01 màn cá nhân, 01 đôi dép, 02 bộ quần áo dài, 01 áo ấm mùa đông và 01 chăn (các cơ sở giam giữ từ thành phố Đà Nẵng trở vào dùng chăn sợi, từ tỉnh Thừa Thiên- Huế trở ra dùng chăn bông loại không quá 02 kg)…

* Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ được quy định tại Điều 8 của Nghị định, trong đó, trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ được bảo đảm định lượng ăn theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này và được hoán đổi phù hợp với nhu cầu của trẻ; được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); được bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em theo quy định của Luật trẻ em năm 2016, Ngày Quốc tế thiếu nhi, ngày Tết Trung thu được hưởng chế độ ăn gấp 02 lần ngày thường, mỗi tháng được cấp sữa và đồ dùng sinh hoạt cần thiết trị giá tương đương 20 kg gạo tẻ loại trung bình/01 trẻ em…

Ngoài ra, tại Chương IV Nghị định đã nêu rõ về việc: Xác định quốc tịch của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; Việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài; Việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài tiếp xúc lãnh sự; Các trường hợp không giải quyết tiếp xúc lãnh sự; Trách nhiệm của các cơ quan trong tổ chức tiếp xúc lãnh sự; Trách nhiệm của cán bộ theo dõi tiếp xúc lãnh sự; Trách nhiệm của người đến tiếp xúc lãnh sự; Thời gian tiếp xúc lãnh sự./.

 

Theo Cổng TTĐT Bộ Công an