Quy định mới về thi đua, khen thưởng

193
Đánh giá bài viết

Những quy định mới về công tác thi đua khen thưởng có liên quan đến ngành Kiểm sát nhân dân; được tổng hợp, phân tích từ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Thông tư số 08/2017/TT-BNV.

 

Ảnh minh họa.

 

Thứ nhất, về nguyên tắc khen thưởng có ba nội dung mới cần lưu ý:

Một là, tại khoản 2, Điều 3 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định khi khen thưởng, cần chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ và cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác hoặc chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Để giải thích rõ khái niệm “Tập thể nhỏ”, tại khoản 12, Điều 1 Thông tư số 08/2017/TT-BNV đã nêu rõ: “Tập thể nhỏ là tập thể có quy mô nhỏ ở cơ sở, bao gồm một số cá nhân cùng thực hiện một nhiệm vụ (tổ, đội; phòng, khoa thuộc bệnh viện cấp huyện, bệnh viện cấp tỉnh; tiểu đội thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; đội thuộc công an cấp huyện…)”.

Cũng liên quan đến nội dung này, tại khoản 4, Điều 2 Thông tư số 08/2017/TT-BNV yêu cầu phải “Quan tâm khen thưởng cá nhân, tập thể từ yếu kém, phấn đấu trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua; người dân tộc thiểu số và cá nhân có nhiều sáng tạo trong lao động, học tập, công tác”, nhằm tạo động lực cho các cá nhân, tập thể nhỏ, còn yếu kém có mục tiêu phấn đấu.

Hai là, khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ hoặc tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung (quy định trước đây chỉ giảm 3 năm). Đây là chủ trương lớn của Đảng về quan tâm, phát triển đối với nữ giới, trong đó đã được cụ thể hóa tại Luật bình đẳng giới, trong các công tác nhân sự và nay là trong công tác thi đua, khen thưởng.

Thứ hai, về quy trình, cách thức tiến hành họp Hội đồng thi đua, tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 08/2017/TT-BNV quy định Hội đồng thi đua chỉ tiến hành họp khi có ít nhất 2/3 thành viên tham dự. Đối với các thành viên Hội đồng vắng mặt thì Thường trực Hội đồng xin ý kiến các thành viên vắng mặt bằng văn bản, sau đó tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Hội đồng và hoàn thiện Biên bản họp Hội đồng, hồ sơ khen thưởng.

Thứ ba, để tháo gỡ vướng mắc trong việc tính thời gian cho thành tích tiếp theo khi khen thưởng mức cao hơn, tại khoản 7, Điều 2 Thông tư số 08/2017/TT-BNV đã quy định: “Thời gian trình khen thưởng lần tiếp theo được tính theo thời gian lập được thành tích ghi trong quyết định khen thưởng lần trước. Đối với quyết định khen thưởng không ghi thời gian lập được thành tích thì thời gian trình khen thưởng lần sau được tính theo thời gian ban hành quyết định khen thưởng lần trước.”

Thứ tư, một điểm mới nữa đáng lưu ý, đó là điều kiện để được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương lao động hạng ba được mở rộng hơn, đó là: Theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 4 Thông tư số 08/2017/TT-BNV, khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua có thời gian từ 05 năm trở lên, đối với những tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 24 và Điều 27 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP thì có thể trình cơ quan có thẩm quyền xét tặng Huân chương lao động hạng Ba.

Thứ năm, về việc xét danh hiệu Lao động tiên tiến, tại Điều 10 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP đã quy định cụ thể những trường hợp được xét và không được xét như sau:

Một là, cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 1 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để được bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”. Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 1 năm trở lên, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, có kết quả học tập từ loại khá trở lên thì được tính để xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”.

Hai là, một điểm mới nữa quy định về việc bình xét danh hiệu Lao động tiên tiến, đó là: thời gian nghỉ thai sản theo quy định vẫn được tính để bình xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Tuy nhiên, cần lưu ý là chỉ “thời gian nghỉ thai sản theo quy định” mới được tính để bình xét thi đua, nếu thời gian nghỉ thai sản vượt quá quy định thì thời gian vượt quá đó sẽ không được tính là thời gian để bình xét.

Ba là, cũng tại Điều 10 của Nghị định còn quy định: không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với các cá nhân mới tuyển dụng dưới 10 tháng; và bỏ quy định: Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” khi nghỉ từ 40 ngày làm việc trở lên theo khoản 6 Điều 5 Nghị định 65/2014/NĐ-CP ngày 01/07/2014.

Thứ sáu, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP đã quy định cụ thể và mở rộng hơn so với Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ về khái niệm “sáng kiến” để làm căn cứ xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Đó là: ngoài sáng kiến còn có Đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu ở mức đạt trở lên, được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả cao, đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định thì cũng được coi như là sáng kiến để làm căn cứ xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua (trước đây không quy định Đề tài khoa học có giá trị tương tự như sáng kiến).

Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ, đối tượng được công nhận có đề tài nghiên cứu khoa học để làm căn cứ xét danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng là: Chủ nhiệm đề tài và người trực tiếp tham gia nghiên cứu đề tài.

Thứ bảy, tiêu chuẩn khen thưởng đối với Huân chương đều hạ thấp điều kiện hơn so với quy định trước đây. Cụ thể:

Đối với Huân chương Độc lập hạng nhất (Điều 16), giảm số lượng được tặng Cờ thi đua của Chính phủ đối với tập thể còn 03 lần (so với 4 lần theo Nghị định số 65/2014/NĐ-CP); Huân chương Độc lập hạng nhì (Điều 17), giảm số lượng được tặng Cờ thi đua của Chính phủ còn 02 lần (Nghị định 65 là 3 Cờ); Đối với công nhân: Giảm từ 7 phát minh, sáng chế, sáng xuống còn 4 khi xét tặng Huân chương Lao động hạng nhất; từ 5 phát minh, sáng chế, sáng kiến xuống còn 3 khi xét tặng Huân chương Lao động hạng nhì; từ 3 phát minh, sáng chế, sáng kiến xuống còn 2 khi xét tặng Huân chương Lao động hạng ba…

Thứ tám, về mức chi tiền thưởng, theo đó danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” được tặng cờ và được thưởng 12,0 lần mức lương cơ sở (trước đây là 24,5 lần mức lương tối thiểu); Danh hiệu Cờ thi đua cấp tỉnh được tặng cờ và được thưởng 8,0 lần mức lương cơ sở (trước đây là 15,5 lần mức lương tối thiểu); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được tặng bằng và được thưởng 3,5 lần mức lương cơ sở đối với cá nhân và 07 lần mức lương cơ sở đối với tập thể (trước đây là 1,5 lần đối với cá nhân và 03 lần đối với tập thể); không quy định thưởng tiền đối với kỷ niệm chương của bộ, ngành, huy hiệu đối với tỉnh và gia đình văn hóa.

 

Tiêu Dao