Quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở

451
Đánh giá bài viết

Theo quy định của pháp luật, hoạt động hoà giải ở cơ sở không phải do cơ quan nhà nước hay tổ chức chuyên môn nghề nghiệp thực hiện mà do các hòa giải viên của tổ hoà giải  thực hiện. Trong đó, tổ hoà giải là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở cơ sở để hoạt động hòa giải theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi vụ việc xảy ra ở địa bàn thôn, tổ dân phố đều có thể được tiến hành hoà giải mà có những giới hạn cụ thể hay phạm vi hòa giải được pháp luật quy định.

 

Ảnh minh họa

 

I. Quy định pháp luật về phạm vi hòa giải ở cơ sở
1. Quy định trong Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh
1.1. Những việc được hoà giải
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Pháp luật về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở,chỉ những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ mới được hoà giải ở cơ sở. Trong đó, phạm vi “vi phạm pháp luật nhỏ” được xác định là những vi phạm chưa đến mức xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Đối với các hành vi vi phạm hành chính, hành vi phạm tội là những hành vi nguy hiểm cho xã hội và tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm  mà sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự nên không được tiến hành hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, đối với “tranh chấp nhỏ” thì Pháp lệnh chỉ quy định mang tính định tính mà không xác định cụ thể loại tranh chấp nào là tranh chấp nhỏ, cũng không nêu lên định lượng giá trị tranh chấp nhỏ là bao nhiêu thì được tiến hòa giải tại cơ sở. Về trình tục, thủ tục tiến hành hòa giải ở cơ sở, các mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật nhỏ được hoà giải ở cơ sở không yêu cầu phải được thực hiện theo các trình tự, thủ tục bắt buộc như trình tự, thủ tục thực hiện hòa giải của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan tiến hành tố tụng.Thực tiễn cho thấy, mặc dù các vi phạm, tranh chấp không gây hậu quả nghiêm trọng ngay tức thì nhưng nếu không được giải quyết kịp thời, dứt điểm sẽ có thể dẫn đến mất ổn định trật tự trong nội bộ nhân dân. Với sự giúp đỡ của hoà giải viên, các bên tranh chấp có thể thoả thuận, giải quyết mâu thuẫn dựa trên cơ sở tình cảm (gia đình, làng xóm), các quy tắc đạo đức, luân lý, tập quán, phong tục tốt đẹp ở địa phương, nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.
Hoà giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Cụ thể như sau:
– Mâu thuẫn, xích mích giữa các cá nhân với nhau: Trong cuộc sống hàng ngày, có thể nảy sinh mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình như cha mẹ và con cái, ông bà với các cháu, giữa anh, chị, em do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn, xích mích giữa các cá nhân trong quan hệ xóm giềng như sử dụng lối đi qua nhà, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung…;
Tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp phát sinh từ các quan hệ về tài sản, quan hệ hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất (thực hiện nghĩa vụ khi vay, mượn tài sản, tranh chấp đối với gia súc, gia cầm bị thất lạc, tranh chấp giữa những người được hưởng thừa kế…).
 – Tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như thực hiện các quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con; nhận nuôi con nuôi; ly hôn; yêu cầu cấp dưỡng.
Đối với các tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình, hoà giải viên chỉ có quyền thuyết phục, giải thích để các bên có tranh chấp tự nguyện  thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình như vợ chồng tôn trọng lẫn nhau, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển về mọi mặt…; nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng, nghĩa vụ và quyền giáo dục giữa cha mẹ và con cái, nghĩa vụ và quyền của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, nghĩa vụ và quyền của anh, chị, em, nghĩa vụ và quyền của bố dượng, mẹ kế và con riêng, quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi… Đối với việc ly hôn, hoà giải viên chỉ thực hiện việc hoà giải, nhằm giúp đôi vợ, chồng tự  hàn gắn tình cảm, giữ gìn hạnh phúc gia đình mà không được phép giải quyết, phân xử việc ly hôn: cho vợ, chồng ly hôn hay ép buộc họ không được ly hôn.
Tranh chấp phát sinh từ những việc vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật, những việc vi phạm đó chưa đến mức bị xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc biện pháp hành chính. Hoà giải viên thực hiện hoà giải những việc như trộm cắp vặt (rau, quả trong vườn, một số đồ dùng sinh hoạt có giá trị không lớn), đánh, chửi nhau gây mất trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích nhẹ, va quệt xe cộ gây thương tích nhẹ. Tuy nhiên, nếu các bên tranh chấp thường xuyên để xảy ra xô xát, đánh, chửi nhau gây mất trật tự trong cộng đồng dân cư thì tổ hoà giải phải báo với chính quyền để có biện pháp xử lý kịp thời.
1.2. Những việc không được tiến hành hoà giải
Bên cạnh việc quy định những trường hợp hòa giải viên được tiến hành hòa giải, pháp luật cũng quy định những trường hợp hoà giải viên không được phép tiến hành hoà giải. Những trường hợp này đều phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hoặc phải được xử lý theo trình tự, thủ tục đã được pháp luật quy định, cụ thể:
a. Các tội phạm hình sự
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Các tội phạm này được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự năm 1999, từ Chương XI đến Chương XXIV (Phần Các tội phạm).
Riêng đối với các hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà người bị hại đã không yêu cầu hoặc rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện Kiểm sát hoặc Toà án không tiếp tục tiến hành việc tố tụng và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các hành vi như: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì có thể hoà giải.
b. Hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý vi phạm hành chính, bao gồm:
Hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy tắc quản lý nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử lý vi phạm hành chính;
Hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính như: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính.
c. Các vi phạm pháp luật và tranh chấp mà theo quy định của pháp luật không được hoà giải, bao gồm:

  • Kết hôn trái pháp luật:

Theo quy định của khoản 3 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm các điều kiện kết hôndo pháp luật quy định, gồm: nam, nữ chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn (nam dưới 20 tuổi, nữ dưới 18 tuổi); việc kết hôn không phải do am và nữ tự nguyện quyết định mà do một hoặc cả hai bên bị ép buộc, lừa dối, cưỡng ép hoặc bị cản trở; việc kết hôn thuộc một trong những trường hợp cấm kết hôn (gồm các trường hợp: khi nam, nữ là người đang có vợ hoặc có chồng, người mất năng lực hành vi dân sự, giữa những người có dòng máu trực hệ, có họ trong phạm vi ba đời, giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng, giữa những người cùng giới tính).

  • Các vi phạm gây thiệt hại đến tài sản nhà nước: người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản Nhà nước, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên thì bị xử lý hình sự theo quy định của Điều 144 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước.
  • Tranh chấp phát sinh từ giao dịch trái pháp luật: Giao dịch dân sự trái pháp luật là giao dịch không đáp ứng đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch theo quy định của pháp luật, cụ thể:

– Người tham gia giao dịch không có năng lực hành vi dân sự (người chưa đủ 6 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự);
– Mục đích và nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội; trong đó, điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng (Điều 128 Bộ luật dân sự 2005).
– Người tham gia giao dịch bị lừa dối, ép buộc. Trong đó, lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình.(Điều 132 Bộ luật dân sự 2005)
– Không đảm bảo hình thức giao dịch khi pháp luật có quy định về hình thức đối với loại giao dịch đó.Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.

  • Tranh chấp về lao động: là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Tranh chấp về lao động bao gồm tranh chấp giữa cá nhân người lao động hoặc tập thể người lao động với người sử dụng lao động về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác, về thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước tập thể và trong quá trình học nghề.

Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động gồm:
Đối với tranh chấp lao động cá nhân: Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động của cơ quan lao động cấp huyện nơi không có Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, Toà án nhân dân;
Đối với tranh chấp lao động tập thể: Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động của cơ quan lao động cấp huyện đối với những nơi không có Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh, Toà án nhân dân.
2. Quy định về phạm vi hòa giải trong Luật hòa giải ở cơ sở, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật
Trên cơ sở tiếp tục kế thừa quy định tại Điều 127 Hiến pháp năm 1992, các chế định của Pháp lệnh năm 1998 còn phù hợp và đúng hướng nhưng có sửa đổi, bổ sung, loại bỏ và hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu mới của đất nước; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hòa giải khi lượng hóa thế nào thì được coi là “vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ”, đồng thời bảo đảm cho hoạt động hòa giải tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, không làm xáo trộn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, thay vì quy định phạm vi hòa giải ở cơ sở theo hướng liệt kê gồm các trường hợp được hòa giải và các trường hợp không được hòa giải như trong Pháp lệnh năm 1998, Điều 3 Luật hòa giải ở cơ sở quy định về phạm vi hòa giải theo hướng loại trừ, chỉ quy định về các trường hợp không được hòa giải ở cơ sở.
Theo Điều 3 Luật Hòa giải ở cơ sở,việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây: mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.
Để Luật hòa giải ở cơ sở được triển khai thực hiện hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với trình độ của hòa giải viên, đồng thời kế thừa quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở tại Nghị định số 160/1999/NĐ-CP, Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định rõ những trường hợp được tiến hành hòa giải và những trường hợp không được tiến hành hòa giải. Cụ thể như sau:
2.1. Mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật được tiến hành hòa giải
Tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định, hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:
– Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);

Cũng giống như quy định trong Pháp lệnh năn 1998, riêng đối với việc ly hôn, hoà giải viênkhông được phép giải quyết, phân xử việc ly hôn: cho vợ, chồng ly hôn hay ép buộc họ không được ly hôn mà chỉ được thực hiện việc hoà giải, giúp đôi vợ, chồng tự hàn gắn tình cảm, giữ gìn hạnh phúc gia đình.
– Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính.
– Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây thì hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải, cụ thể là:
+ Trường hợp không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (được thay thế bằng Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Theo đó, hòa giải viên được tiến hành hòa giải đối với vi phạm pháp luật hình sự mà không bị khởi tố vụ án do có một trong các căn cứ sau:
(1) Không có sự việc phạm tội;
(2) Hành vi không cấu thành tội phạm;
(3) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:
(i) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);
(ii) Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
(iii) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy);
(iv) Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép);
(v) Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);
(vi) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).

(4) Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
(5) Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 27, Điều 28 Bộ luật hình sự năm 2015 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
(i) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
(ii) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
(iii) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
(iv) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định nêu trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật hình sự đối với các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật hình sự; Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật hình sự; Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật hình sự; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật hình sự.
(6) Tội phạm đã được đại xá;
(7) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
(8) Tội phạm quy định tại tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
+ Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 164 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (được thay thế bằng quy định tại khoản 1 Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 169 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (được thay thế bằng quy định tại khoản 1 Điều 282 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
– Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/9/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính; Cụ thể:
+ Tại Điều 90 của Luật xử lý vi phạm hành chính quy định, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng đối với các đối tượng sau: (i) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự; (ii) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự; (iii) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; (iv) Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định; (v) Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Theo Điều 138 của Luật xử lý vi phạm hành chính, các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên bao gồm: Nhắc nhở và quản lý tại gia đình.Nhắc nhở là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính để chỉ ra những vi phạm do người chưa thành niên thực hiện, được thực hiện đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện: Vi phạm hành chính theo quy định bị phạt cảnh cáo;Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.Quản lý tại gia đình là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 3 Điều 90 của Luật xử lý vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện:Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình; Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này;Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.
– Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.

2.2. Các trường hợp không hòa giải
Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, thì khi thuộc các trường hợp sau đây hòa giải viên không được tiến hành hòa giải:

– Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; Ví dụ: Các mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm, lấn chiếm đất công, tranh chấp về sử dụng trái phép công trình công cộng…

– Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đìnhmà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết (ví dụ: chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật nênhòa giải viên không được hòa giải để các bên tự giải quyết, duy trì quan hệ hôn nhân và gia đình trái pháp luật đó), giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
– Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp được hòa giải quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP;
– Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính (bao gồm: bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính), trừ các trường hợp được hòa giải quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP;
– Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở bao gồm: Hòa giải tranh chấp về thương mại và hòa giải tranh chấp về lao động, do việc hòa giải các tranh chấp này được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về thương mại và lao động.

 

Tiêu Dao

Theo Cổng TTĐT Bộ Tư Pháp