Quy định về thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát môi trường

130
Đánh giá bài viết

Ngày 31/12/2019, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát môi trường; Thông tư gồm 03 chương 12 điều.

Ảnh minh họa.

Thông tư này quy định mục đích, nguyên tắc và nội dung thực hiện dân chủ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường (sau đây viết gọn là môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm) của Cảnh sát môi trường.

Thông tư này được áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động của Cảnh sát môi trường.

* Theo quy định tại Điều 5, những việc Cảnh sát môi trường phải thông báo công khai, gồm:

– Trụ sở, nơi làm việc của Cảnh sát môi trường; số điện thoại trực ban đơn vị; người có thẩm quyền giải quyết các đơn, thư, tin báo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

– Chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm thuộc nhiệm vụ của Cảnh sát môi trường có liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân.

– Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát môi trường khi làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân (trừ những nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác).

– Các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm và hậu quả (nếu có) mà Cảnh sát môi trường đã xử lý trong quá trình thực hiện chức năng của mình đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (trừ nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác).

* Những việc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát môi trường không được làm được quy định tại Điều 9 như sau:
– Tiết lộ bí mật, tin tức, tài liệu vụ việc đang điều tra, xác minh khi chưa được phép công khai đối với những người không có trách nhiệm dưới bất kỳ hình thức nào. Trường hợp nhận được yêu cầu cung cấp tin tức, tài liệu của các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan khác có liên quan về nội dung vụ việc do mình được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra, xác minh thì phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.

– Lợi dụng danh nghĩa công tác đến các cơ quan, tổ chức hoặc gặp riêng cá nhân để gây khó khăn, phiền hà, nhận quà biếu dưới mọi hình thức.

– Tuỳ tiện tiếp xúc với đối tượng đang bị điều tra và những người có liên quan đến các vụ việc đang điều tra. Trường hợp đối tượng tự ý tìm gặp thì phải báo ngay cho lãnh đạo đơn vị biết để có hướng xử lý. Chỉ được tìm hiểu, xác minh những nguồn tin, đơn, thư tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được lãnh đạo phân công.

– Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

* Quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Trách nhiệm của Cảnh sát môi trường được quy định tại Điều 7 và Điều 8.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 18/02/2020 và thay thế Thông tư số 55/2009/TT-BCA ngày 02/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát môi trường.

Theo Cổng TTĐT Bộ Công an