Quy định về thực hiện dân chủ trong thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân (CAND)

492
Đánh giá bài viết

Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 81/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân (CAND); Thông tư gồm 03 chương 12 điều.

Ảnh minh họa.

Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức, trách nhiệm thực hiện dân chủ trong công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng CAND.

Thông tư này áp dụng đối với các trại tạm giam, nhà tạm giữ do lực lượng CAND quản lý (sau đây viết tắt là cơ sở giam giữ); sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân Công an (sau đây viết tắt là cán bộ, chiến sĩ); người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

* Việc thực hiện dân chủ trong tạm giữ, tạm giam nhằm mục đích sau:

– Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động quản lý, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam; tạo mọi điều kiện thuận lợi để người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện đầy đủ các quyền công dân khác không bị pháp luật hạn chế hoặc tước bỏ.

– Xây dựng cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam trong CAND đúng quy định của pháp luật; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, gây phiền hà, sách nhiễu, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và cơ quan, tổ chức, cá nhân.

* Thông tư quy định 8 nội dung phải công khai, gồm:

– Quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; nội quy cơ sở giam giữ; danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam.

– Tình hình chấp hành nội quy cơ sở giam giữ, sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

– Chế độ, tiêu chuẩn ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ sinh hoạt tinh thần đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ.

– Quy định về việc gặp thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân, tiếp xúc lãnh sự.

– Quy định về việc giải quyết cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam nhận quà; việc hủy bỏ đồ vật thuộc danh mục cấm mang vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam; việc gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

– Hình thức xử lý kỷ luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ; khen thưởng người bị tạm giữ, người bị tạm giam có thành tích, lập công.

– Cấp có thẩm quyền và nơi giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề nghị hợp pháp về quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các khiếu nại, tố cáo và đề nghị của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

– Địa điểm và lịch tiếp công dân, thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam; nội quy nơi tiếp công dân, thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam; hòm thư góp ý; số điện thoại đường dây nóng.

* Các hình thức công khai được quy định tại Điều 5, theo đó căn cứ đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, các cơ sở giam giữ áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức sau đây:

– Bằng văn bản niêm yết tại địa điểm tiếp công dân, nhà thăm gặp, phòng hỏi cung, nơi sinh hoạt chung trong phạm vi cơ sở giam giữ.

– Thông qua hệ thống truyền thanh của cơ sở giam giữ.

– Thông báo trực tiếp cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

– Các hình thức phù hợp khác.

* Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/02/2020 và thay thế Quy chế thực hiện dân chủ trong tạm giữ, tạm giam và hoạt động điều tra của CAND ban hành kèm theo Quyết định số 729/1998/QĐ-BCA(V19) ngày 09/11/1998 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Theo Cổng TTĐT Bộ Công an