Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

530
Đánh giá bài viết

Từ ngày 01/01/2020, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành, thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ với nhiều điểm mới.

Ảnh minh họa.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Nghị định áp dụng với những đối tượng, như: Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm…

Theo đó, Chương II của Nghị định quy định các hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, như: Vi phạm quy tắc giao thông đường bộ; Vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Vi phạm quy định về phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Vi phạm quy định về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; Vi phạm quy định về vận tải đường bộ…

Đáng chú ý, so với Nghị định số 46/2016/NĐ-CP thì Nghị định này tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, như:

Đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 22 – 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 6 –  8 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 22 – 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. 

Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung quy định xử phạt đối với doanh nghiệp vận tải sử dụng người lái xe mà trong cơ thể có chất ma túy; bổ sung quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với xe mô tô theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia…

Đối với lực lượng Công an nhân dân, tại Điều 76 của Nghị định đã nêu rõ các cấp có thẩm quyền xử phạt, gồm:

– Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ;

– Trạm trưởng, Đội trưởng của Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ;

– Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất;

– Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt; Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên;

– Giám đốc Công an cấp tỉnh;

– Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;

Đặc biệt các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt mà không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đó để xử phạt./.

Theo CTTĐT Bộ Công an