“SỔ ĐỎ” GIẢ TRONG CƠN “SỐT ĐẤT” THẬT: Bài 2- Hệ lụy vì sập bẫy “sổ đỏ” giả

446
Đánh giá bài viết

Bài 2- Hệ lụy vì sập bẫy “sổ đỏ” giả

Khi cơn “sốt đất” tăng lên, có thời điểm giá cả “nhảy múa” theo ngày, nguy cơ làm mất an ninh trật tự trên địa bàn hiện hữu. Tỉnh ủy Quảng Bình đã có Công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh nhanh chóng thực hiện các giải pháp để quản lý tình hình bất động sản, không để xảy ra tình trạng “cò” gây sốt giá đất và bong bóng bất động sản.

Tuy nhiên, trong “cơn sốt” ấy, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự cả tin của người dân địa phương, sức hút của đồng tiền, để thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng tỉ đồng.

Từ năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra hai cấp, Công an tỉnh Quảng Bình đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can 5 vụ, liên quan đến 5 đối tượng. Song hệ lụy của loại tội phạm này đó chính là nhiều nạn nhân đã lâm vào cảnh đường cùng, nợ nần chồng chất.

Sau khi gửi đơn trình báo đến cơ quan Công an, đối tượng lừa đảo đã bị bắt, chúng tôi trở lại nhà ông Đặng Văn Quyết, ở xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Đối tượng Nguyễn Văn Tuấn tại cơ quan điều tra.

Người đàn ông gần 60 tuổi tiếp chúng tôi trong vẻ mệt mỏi và cũng đầy lo lắng vì món nợ đang gánh trên vai. Đáng ra ở độ tuổi này, ông Quyết có thể được tận hưởng một cuộc sống nhàn nhã, yên bình với gia đình, nhưng chỉ vì sự cả tin, thiếu hiểu biết, ông trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sự việc đã khiến ông trắng tay và hơn thế nữa, ông đang phải gánh nợ số tiền lớn, hơn 1,2 tỷ đồng, tiền lãi ngày một tăng lên, cuộc sống lâm vào cảnh khốn đốn, tạm bợ qua ngày.

Hằng ngày, ông Quyết đang phải xin đi theo các cánh thợ xây dựng, nay chỗ này, mai chỗ kia để làm phụ hồ, bốc vác, kiếm tiền trả nợ. Công việc đòi hỏi sức khỏe mà ông lại đang tuổi già sức yếu, ông chỉ biết cố gắng, làm việc giữa công trường dưới cái nắng như lửa đốt của miền Trung. Tư tưởng luôn hoang mang, lo lắng, nhiều khi mất ăn, mất ngủ, ông Đặng Văn Quyết, mong mỏi Cơ quan điều tra sớm thu hồi được số tiền đã mất không chỉ cho ông mà cho các nạn nhân khác nữa.

Trường hợp của ông Quyết chỉ là điển hình trong số những nạn nhân nằm trong nhiều đường dây lừa đảo của tội phạm. Có những nạn nhân công khai danh tính, có nạn nhân lại muốn giấu đi, vì lý do cá nhân, nhưng điểm chung của họ, đều phải chịu những hậu quả nặng nề, lâm vào cảnh khốn cùng. Tuy nhiên, công tác khắc phục hậu quả, hoàn trả lại số tiền bị lừa đảo của các nạn nhân còn là một vấn đề nan giải.

Theo các điều tra viên dày dặn kinh nghiệm của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh trực tiếp đấu tranh với các đối tượng phạm tội này, thì khi nhận tiền của các nạn nhân, các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để giao dịch, mua bán, cầm cố đều nhận một lượng tiền khá lớn, vì thế chúng sẽ nhanh chóng sử dụng, hoặc tẩu tán với nhiều mục đích khác nhau, gây rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi, vì vậy những bị hại trong các vụ án đã khó khăn, càng thêm khó khăn do nợ nần chồng chất hoặc phải vay mượn từ nhiều nguồn, nhiều nơi, thậm chí có người đã tìm đến “tín dụng đen” để vay tiền trả nợ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Có thể nói, bất động sản là một lĩnh vực nhạy cảm, bởi số tiền giao dịch thường khá lớn, nên nhiều đối tượng lừa đảo đã và đang tập trung lừa đảo vào lĩnh vực này, nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân thiếu hiểu biết hoặc không nắm rõ thông tin, hoặc thiếu tìm hiểu kỹ càng trước khi thực hiện các giao dịch. Vì thế, để tránh tình trạng trở thành nạn nhân của các đối tượng, người dân cần phải tỉnh táo khi thực hiện việc trao đổi, mua bán, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, cần phải được xác minh rõ ràng của cơ quan có thẩm quyền, không để “tiền mất, tật mang”…

Ngô Quang Văn