Sự cần thiết tổ chức cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, Vì nhân dân phục vụ”

882
Đánh giá bài viết

Phần thứ nhất

Sự cần thiết tổ chức cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, Vì nhân dân phục vụ”

 

I.Thực trạng bản lĩnh chính trị, bản lĩnh trong thi hành công vụ và văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ CAND trong thời gian qua

1.Phát huy truyền thống 72 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lực lượng CAND luôn nhận thức rõ về mục đích, yêu cầu, sự cần thiết trong tự giác tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và nhân cách, đã góp phần thiết thực xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, xung kích trong cuộc đấu tranh bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH và bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trong những năm qua, công tác xây dựng lực lượng CAND nói chung, xây dựng bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, văn hóa ứng xử của cán bộ chiến sĩ CAND luôn được Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an; Cấp ủy, lãnh đạo các cấp trong Công an quan tâm chỉ đạo. Đã tăng cường công tác giáo dục chính trị, rèn luyện đạo đức, lối sống; lấy xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân làm mục tiêu giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên; coi trọng việc giáo dục, rèn luyện, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên trong công tác, chiến đấu và trong sinh hoạt; đề cao trách nhiệm của cấp ủy, nhất là bí thư cấp ủy, thủ trưởng đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tổ chức sâu rộng nhiều hoạt động sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống, triển khai thực hiện hiệu quả các cuộc vận động lớn như: “CAND học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; đẩy mạnh phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”; tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ. Đặc biệt, đã kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trọng tâm là thực hiện giải pháp tự phê bình và phê bình, nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cấp trên; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục  đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh” trong CAND…

Công an các đơn vị, địa phương đã quan tâm xây dựng môi trường học tập, công tác thực sự trở thành môi trường nuôi dưỡng, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong mỗi CBCS CAND về ý thức trách nhiệm hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đề cao ý thức phục tùng tổ chức, kỷ luật, chấp hành nghiệm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, thực hiện nếp sống văn minh; nêu gương về lối sống lành mạnh và quan hệ ứng xử văn hóa; xây dựng mối quan hệ máu thịt với nhân dân; gương mẫu tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” qua đó đã hoàn thiện và hình thành các chuẩn mực giá trị đạo đức , lối sống cùng với những nét đẹp trong ứng xử để ngày càng củng cố lòng tin yêu của quần chúng nhân dân đối với CAND.

Có thể khẳng định, tuyệt đại bộ phận CBCS Công an luôn có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có lối sống trong sạch, giản dị, chấp hành nghiêm kỷ luật; không có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; trách nhiệm, tận tụy với công việc, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh phòng chống tội phạm; nhiều gương người tốt, việc tốt, góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an đẹp trong lòng dân.

2.Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng bản lĩnh chính trị, bản lĩnh khi thi hành công vụ, rèn luyện đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của CBCS trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một số ít CBCS CAND có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị ở mức độ khác nhau cần đấu tranh, ngăn chặn; một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó cả cán bộ lãnh đạo, chỉ huy suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử. Cụ thể:

Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị:

+ Tình trạng ngại học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết, quy định của Đảng; ít quan tâm, thậm chí thờ ơ đối với hoạt động của Đảng, ngại tham gia sinh hoạt đảng, nể nang, né tránh trong tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình cấp trên.

+ Băn khoăn, thiếu tin tưởng vào việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nhất là những biện pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

+ Chấp hành chưa nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị, quy định, kỷ luật, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ.

+ Có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, chọn việc, chọn vị trí công tác; thụ động, ngại khó, ngại khổ, chọn việc dễ, bỏ việc khó, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên.

+ Thiếu gương mẫu trong việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật, điều lệnh CAND, quy định của cơ quan, đơn vị và trong sinh hoạt.

Biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa giao tiếp ứng xử:

+ Sống cá nhân ích kỷ, thực dụng, hưởng thụ, bình quân chủ nghĩa, đoàn kết xuôi chiều;

+ Tham nhũng, hối lộ, bòn rút của công, lãng phí, quan liêu, chạy chức, chạy luân chuyển, chạy biên chế;

+ Dĩ hòa vi quý, nói dựa, lấy lòng nhau; nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo; bệnh thành tích, báo cáo sai sự thật , gây mất đoàn kết nội bộ;

+Tinh thần phục vụ nhân dân chưa cao; sách nhiễu, gây phiền hà trong tiếp xúc, giải quyết công việc của nhân dân; thái độ xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân; xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

+ Làm việc cầm chừng, hiệu quả thấp; vi phạm quy chế làm việc; quy trình công tác; lợi dụng trách nhiệm, quyền hạn được giao để trục lợi, giải quyết việc cá nhân;

+ Ứng xử thiếu văn hóa với nhân dân, với đồng chí đồng đội (không chào hỏi, có thái độ, hành vi, lời nói không đúng mực, hách dịch, nhũng nhiễu; không chịu lắng nghe, chia sẻ, không tận tình giải thích, hướng dẫn, thậm chí dọa dẫm, đánh người dân gây bức xúc trong dư luận xã hội…).

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do tác động của mặt trái cơ chế thị trường ; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; do tính chất, đặc điểm môi trường công tác, chiến đấu của CBCS CAND đặc thù, phức tạp, là người thực thi pháp luật, công tác độc lập, thường xuyên tiếp xúc với mặt trái của xã hội…; song chủ yếu là nguyên nhân chủ quan thuộc về cấp ủy, lãnh đạo Công an một số đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng , rèn luyện đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử, tư thế, lễ tiết tác phong của CBCS; một bộ phận CBCS CAND chưa nghiêm túc quán triệt và thực hành đạo đức cách mạng “Cần, kiệm, liêm, chính” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, chạy theo lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân; thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong giải quyết công việc cho cơ quan, tổ chức, nhân dân.

II.Mục tiêu, yêu cầu xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.

 1.Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp và toàn thể CBCS đối với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng bảnh lĩnh chính trị tư tưởng vững vàng; tư thế, lễ tiết, tác phong, ứng xử văn hóa, văn minh; nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhan dân của CBCS CAND.

2.Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ nhằm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,”tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộn Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 07/CT-BCA-X11, ngày 26/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử CAND trong tình hình mới”.

3.Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ phải thường xuyên, bền bỉ, phù hợp với đặc điểm, tình hình và điều kiện của từng Công an đơn vị, địa phương.

 

BBT