Tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp lý về giám định tư pháp

188
Đánh giá bài viết

Giám định tư pháp là một loại hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và công tác thi hành án hình sự, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

 

 

Để kịp thời phục vụ cho việc thực hiện Bộ luật hình sự năm 1987, ngày 21/7/1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 117/HĐBT về giám định tư pháp. Tiếp đó, ngày 29/9/2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Giám định tư pháp (sau đây gọi chung là Pháp lệnh), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2005. Sau 6 năm triển khai thi hành Pháp lệnh, công tác giám định tư pháp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hệ thống tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự ở Trung ương và địa phương được củng cố, kiện toàn; cơ sở vật chất, phương tiện công tác và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho hoạt động giám định đã được chú trọng đầu tư. Công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp bước đầu được đổi mới phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tuy nhiên, để tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng theo đường lối đổi mới của Đảng tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Luật giám định tư pháp đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, Kỳ họp thứ ba thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 đã đánh dấu bước phát triển mới về thể chế giám định tư pháp.

Vì vậy, cùng với các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, yêu cầu người thực hiện giám định tư pháp hiểu biết pháp luật là tất yếu, khách quan. Việc biên soạn tài liệu này nhằm cung cấp những kiến thức pháp lý, kỹ năng pháp lý cơ bản, có tính chất chung nhất mà mỗi người giám định tư pháp phải nắm vững và tuân thủ khi thực hiện giám định tư pháp. Ngoài kiến thức, kỹ năng pháp lý chung này, người giám định tư pháp ở các lĩnh vực khác nhau cần nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức pháp lý chuyên ngành đối với lĩnh vực giám định mà mình thực hiện.

Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu Quyết định số 19/BTTP-GĐTP ngày 12/4/2017 của Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp ban hành Tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giám định tư pháp tại mục Phổ biến, giáo dục pháp luật./.

Tài liệu đính kèm:

  1. Mục lục
  2. Tài liệu
  3. Quyết định ban hành tài liệu.

 

Ban Biên tập