Tăng cường công tác PCCC và CNCH đối với các cơ sở dệt, may

377
Đánh giá bài viết

Việc đảm bảo toàn PCCC tại các nhà xưởng, cơ sở dệt may đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi lẽ chỉ một phút lơ là, mất cảnh giác là nguy cơ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả thiệt hại về người và tài sản là không thể lường trước được

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có nhiều doanh nghiệp may lớn như Xí nghiệp May Hà Quảng, Công ty may S&D, Công ty CP Dệt may Huế – Chi nhánh Quảng Bình, Công ty TNHH thương mại May Thăng Long. Đây là ngành nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ cao nên trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Quảng Bình luôn chú trọng công tác PCCC và CNCH tại các doanh nghiệp này, góp phần đảm bảo an toàn PCCC, không để xảy ra cháy, nổ cho các doanh nghiệp dệt may.

Qua công tác kiểm tra tại một số cơ sở dệt may đã phát hiện các tồn tại, bất cập liên quan đến công tác PCCC như: Tình trạng sắp xếp hàng hóa chưa gọn gàng, vệ sinh công nghiệp chưa thường xuyên, hoặc người đứng đầu cơ sở chưa thực hiện đầy đủ các kiến nghị khắc phục hạn chế trong công tác PCCC của cơ quan chức năng; một số cơ sở thuê lại diện tích từ đơn vị khác nên cơ sở vật chất lâu năm xuống cấp, cơi nới thiếu an toàn…

Các cơ sở dệt may tập trung rất nhiều công nhân và một lượng lớn hàng hoá

Phần lớn các vụ cháy xảy ra tại các cơ sở dệt, may thường vào ban đêm, gây thiệt hại lớn về tài sản; khi cháy xảy ra do các cơ sở này tồn chứa một lượng lớn hàng hoá nên rất khó để cứu chữa, phải mất hàng giờ mới khống chế dập tắt được đám cháy, như: Vụ cháy tại Công ty may Kwong Lung – Meko tại khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ chữa cháy suốt 26 giờ và phải huy động lực lượng của công an các tỉnh thành phố Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long và Quân khu 9; vụ cháy xảy ra tại xưởng số 2 của Công ty Dệt may SCAVI Huế thuộc Khu Công nghiệp Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế mất 08 giờ mới không chế được.

Để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, thiệt hại do cháy gây ra và tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với các cơ sở dệt, may, chúng ta cần lưu ý thực hiện một biện pháp an toàn PCCC và CNCH như sau:

Một là, niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ. Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn chung cho cả công trình, cho từng khu vực; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn. Đảm bảo các điều kiện phục vụ công tác thoát nạn như: Không để hàng hóa, vật tư cản trở lối thoát nạn; dựng rào chắn, khóa cửa trên lối và đường thoát nạn.

Hai là, lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, phân xưởng và các thiết bị điện có công suất lớn, tách riêng biệt các nguồn điện: chiếu sáng, bảo vệ phục vụ thoát nạn, chữa cháy, nguồn điện sản xuất, sinh hoạt. Kiểm tra việc thực hiện các quy định trong sử dụng điện: Như có ngắt aptômat, tắt nguồn các thiết bị máy móc, thiết bị điện khi không sử dụng.

Ba là, đảm bảo vệ sinh công nghiệp, dọn vệ sinh chung sau mỗi ca làm việc; định kỳ lau chùi vệ sinh máy móc, thiết bị sử dụng điện, thay thế các dây dẫn điện không đảm bảo an toàn.

Bốn là, thường xuyên tổ chức kiểm tra, quản lý tốt nguồn lửa, nguồn nhiệt; những nơi dễ phát sinh cháy như: máy móc, thiết bị sử dụng điện, dây dẫn điện, dây chuyền công nghệ…, những nơi có các vật liệu dễ cháy như: Khu vực chứa phế liệu, kho chứa hàng, khu vực hóa chất… nhằm phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng PCCC cho tất cả công nhân viên làm việc chứ không chỉ riêng cho đội PCCC cơ sở, sao cho mỗi công nhân viên đều phải biết các biện pháp PCCC, để có thể chủ động và kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Bố trí mỗi bộ phận, phân xưởng có tổ PCCC hoặc có người tham gia Đội PCCC cơ sở; mỗi ca làm việc bố trí lực lượng thường trực chữa cháy. Định kỳ tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở. Lập và thường xuyên thực tập phương án chữa cháy và CNCH với nhiều tình huống khác nhau tại cơ sở.

Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho đội PCCC cơ sở Công ty TNHH TM may Thăng Long

Công tác PCCC và CNCH đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Thực hiện tốt công tác PCCC và CNCH là đã bảo vệ được tính mạng, tài sản, giữ được bình yên, hạnh phúc cho mọi gia đình và xã hội./.

Xuân Long – PC07