Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trong dịp hè năm 2018

552
Đánh giá bài viết

Đuối nước trong dịp hè đã và đang là vấn đề rất đáng lo lắng hiện nay, không riêng gì ở các địa phương khác mà tại địa bàn tỉnh ta tình trạng này diễn ra đã gây nên nhiều hệ lụy. Chính vì vậy, việc tăng cường công tác tuyên truyền, phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho người dân là rất cần thiết, nhất là đối với đối tượng học sinh, trẻ em.

Dư luận vẫn chưa thể quên vụ việc đuối nước rất thương tâm xảy ra tại địa bàn huyện Minh Hóa khiến 3 em học sinh tử vong. Cụ thể, trưa 31-7-2017, tại thôn Liêm Hóa 2, xã Trung Hóa em Đinh Phạm Tuyên (SN 2003) và Đinh Xuân Ninh (SN 2002) đều ở xã Trung Hóa, khi đi câu cá ở khu vực cách ngầm khe Rinh 200m thì không may bị sảy chân rơi xuống nước, khiến 2 em bị đuối nước. Trước đó, vào ngày 30/7/2017, tại xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa cũng xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Nạn nhân là em Trương Đan Huy (SN 2008), khi đi tắm cùng hai em nhỏ ở cùng xã. Mới đây, vào hôm 9/4/2018, khi em L.T.H (13 tuổi) học sinh lớp 8A, Trường THCS Quảng Phong, TX. Ba Đồn đi tắm ở sông Gianh, đoạn qua thôn Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch thì bị đuối nước.

Nguyên nhân của nhiều vụ đuối nước của trẻ em thường xuất phát từ việc tự ý tắm ở các ao, hồ, sông, suối mà không có người lớn đi kèm (Ảnh internet).

Tháng 5, 6, 7,8, thời điểm mà các em học sinh được nghỉ hè, với thời tiết oi bức, nắng gắt như hiện nay, nhu cầu vui chơi, giải trí của các em tại các khu vực biển, ao hồ, sông, suối ngày càng nhiều, nhưng lại thiếu sự quản lý của người lớn. Mặt khác, việc vui chơi, giải trí của các em đều tự phát, ở những khu vực nguy hiểm và không có một phương tiện cứu sinh nào trong quá trình vui chơi, giải trí, dẫn đến nguy cơ dẫn đến đuối nước rất dễ xảy ra.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ đuối nước, làm chết 9 người, trong đó phần lớn nạn nhân trong độ tuổi thanh thiếu niên. Nguyên nhân dẫn đến đuối nước chủ yếu là do thiếu kỹ năng bơi lội, trẻ tắm ao hồ, sông, biển nhưng không có người lớn giám sát; khách du lịch không quen địa hình và việc bơi lội trên biển. Bên cạnh đó công tác cứu hộ, cứu nạn tại các bãi tắm biển chưa được thực hiện một cách thường xuyên và thiếu chuyên nghiệp.

Các học viên thực hành kỹ thuật cứu hộ người đuối nước tại lớp tập huấn do Sở văn hóa và thể thao tỉnh Quảng Bình tổ chức.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, hạn chế thấp nhất số vụ và số người chết do tai nạn đuối nước, nhất là trong dịp hè năm 2018, Công an tỉnh đã có công văn chỉ đạo các Công an các đơn vị, địa phương có liên quan tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh về nguy cơ tiềm ẩn, hậu quả của tai nạn đuối nước để mọi người dân nâng cao cảnh giác, chủ động có biện pháp phòng ngừa khi tắm biển, sông, suối, ao hồ. Thực hiện nghiêm túc, chuyên nghiệp và có hiệu quả đối với công tác cứu hộ, cứu nạn. Rà soát, bổ sung các biển ấm, biển báo, biển chỉ dẫn tại các khu vực có nguy cơ đuối nước. Tăng cường công tác kiểm tra các bãi tắm, bến sông, các khu vui chơi trên đường thủy, các phương tiện thủy để phát hiện, kiến nghị biện pháp giải quyết những điểm, những nguy cơ tiềm ẩn thường xảy ra đuối nước; đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về TTATGT đường thủy nội địa…vv..

Ngoài những biện pháp, giải pháp của các lực lượng chức năng thì điều rất cần thiết là ý thức của mỗi người dân, nhất là cần quan tâm đến đối tượng trẻ em. Mỗi gia đình cần phát huy tinh thần trách nhiệm giáo dục, quan tâm con cái và tích cực hướng các em học tập, rèn luyện các kỹ năng tự bảo vệ mình trước những mối nguy hiểm do tai nạn đuối nước.

 

                                                                   Trần Tuấn