Tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm hình sự trên địa bàn huyện Lệ Thủy

218
Đánh giá bài viết

Huyện Lệ Thủy nằm ở phía Nam tỉnh Quảng Bình, giáp ranh với huyện Vĩnh Linh và Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, có 26 xã, 2 thị trấn. Diện tích tự nhiên 1.416,11 km2, dân số toàn huyện có 36.868 hộ với hơn 142.005 nhân khẩu, mật độ dân số 99,8 người/km2 (Trong đó người dân tộc thiểu số có 5.300, chiếm 3,73% dân số toàn huyện); địa hình đa dạng phức tạp, có biển, đồng bằng, đầm phá, gò đồi, rừng núi, có 2 tuyến biên phòng, phía Tây giáp với Lào, đường biên giới 2 xã Kim Thủy, Lâm Thủy dài 31 km có 2 nhánh Đông và Tây đường Hồ Chí Minh; phía Đông có tuyến giao thông quốc phòng đi dọc 3 xã biển với bờ biển dài 32 km. Trên địa bàn huyện có nhiều trục giao thông quan trọng chạy qua, như Quốc lộ 1A, BOT, QL15, 565, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, nhánh Tây, có tuyến đường sắt Bắc-Nam giao nhau với 2 trục đường tỉnh lộ 565 và đường 10…rất thuận lợi cho việc đi lại, giao thương phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển dịch mạnh, bộ mặt nông thôn, đô thị của huyện Lệ Thủy đã thay đổi rõ rệt và từng bước khởi sắc, là nơi giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội giữa các vùng miền nên mật độ người đi lại, làm việc, du lịch, giao lưu, buôn bán… nhộn nhịp, đông đúc là điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã, hội của địa phương. Tuy nhiên, tình hình đó đã có những ảnh hưởng nhất định đến an ninh, trật tự và công tác phòng, chống tội phạm hình sự của lực lượng Công an huyện Lệ Thủy trên địa bàn.

Công an huyện Lệ Thủy họp bàn công tác đấu tranh với tội phạm hình sự

Năm 2016, trên địa bàn huyện Lệ Thủy tình hình ANTT cơ bản ổn định, nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, tình hình tội phạm hình sự diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, tính chất hoạt động của đối tượng hết sức liều lĩnh và manh động. Một số loại tội phạm hình sự nổi lên như: Cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, chủ yếu là chống lại lực lượng cán bộ kiểm lâm, lâm trường, cán bộ xã đang thực thi nhiệm vụ, coi thường kỷ cương, pháp luật. Qua điều tra, kết luận các vụ việc cho thấy, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, lý do công vụ của nạn nhân và mâu thuẫn của các nhóm đối tượng trong khi uống rượu, bia. Chỉ tính riêng 03 tháng đầu năm, trên địa bàn đã xảy ra 13 vụ việc xâm hại sức khỏe người khác, làm 16 người bị thương, trong đó có 03 vụ nổi lên như: Vụ 11 đối tượng lâm tặc chặn đường đánh cán bộ Kiểm lâm, Lâm trường Kiến Giang xảy ra ngày 19/2/2017 tại địa bàn xã Kim Thủy; 02 vụ chống người thi hành công vụ và cố ý gây thương tích đối với Chủ tịch UBND xã Sen Thủy xảy ra ngày 05/3/2017 và Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thủy xảy ra ngày 18/3/2017.

Trước tình hình đó, để góp phần phòng ngừa và đấu tranh, kiềm chế, làm giảm tội phạm hình sự, lực lượng Công an huyện Lệ Thủy đã chủ động trong công tác dự báo, nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo 138 huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm; triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, biện pháp công tác, kịp thời giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, các vụ việc phức tạp nổi lên; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung triển khai lực lượng về các tuyến, địa bàn trọng điểm; chủ động xác lập các chuyên án đấu tranh với các băng nhóm tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức, côn đồ, hung hãn, manh động, xâm phạm nhân thân, sở hữu của nhân dân.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh trấp áp tội phạm hình sự, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn, thời gian tới Công an huyện tập trung triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tập trung chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ Công an huyện thường xuyên, chủ động làm tốt công tác nắm tình hình để tham mưu, đề xuất đúng đắn và kịp thời cho cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT; có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời những người dám đứng ra đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ người dân khi bị xâm hại.

Hai là, chủ động làm tốt công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, ngăn chặn không để hình thành tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo “Kiểu xã hội đen”; phát hiện và triệt xóa các băng, ổ, nhóm tội phạm mới hình thành, kiên quyết không để tội phạm và vi phạm pháp luật lộng hành trên địa bàn huyện. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể các xã, thị trấn phát hiện xử lý các vụ việc liên quan đến ANTT ngay từ cơ sở; tăng cường phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm soát vào các giờ cao điểm tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật; tập trung triệt xóa các tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội, nhất là cờ bạc, ma túy, mại dâm. Nâng cao chất lượng công tác điều tra xử lý, khám phá tội phạm, không để lọt tội phạm, không để oan, sai.

Ba là, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ANTT; đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, quản lý cư trú, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, nhất là các dịch vụ kinh doanh karaoke, massage, quán ăn, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và các dịch vụ khác có khả năng tội phạm lợi dụng để hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tích cực tham gia phòng, chống tội phạm; củng cố, nhân rộng các mô hình tự quản về ANTT tại cơ sở; nghiên cứu nguyên nhân điều kiện, quy luật hoạt động, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm cướp tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo tài sản… để chủ động phòng ngừa, đấu tranh triệt phá, đồng thời thông báo rộng rãi cho người dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn biết để nâng cao tinh thần cảnh giác, phát hiện và tố giác tội phạm.

Năm là, duy trì và thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp liên ngành, khu vực địa bàn giáp ranh giữa công an huyện Lệ Thủy với Công an huyện Quảng Ninh, Công an huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp khu vực giáp ranh, sự phối hợp tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau giữa các lực lượng nghiệp vụ, các cơ quan đoàn thể của các địa phương trong công tác quản lý địa bàn, đối tượng hoạt động lưu động góp phần đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Trung tá, Ths Ngô Văn Toản      

Phó Trưởng Công an huyện Lệ Thủy