Tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý người mắc bệnh tâm thần, người sử dụng ma túy tổng hợp “ngáo đá” phạm tội

854
Đánh giá bài viết

 

Theo thông  báo của Bộ Công an, từ đầu năm đến nay, tình hình tội phạm hình sự tuy được kiềm chế về số vụ nhưng tính chất hành vi phạm tội và hậu quả gây ra ngày càng nghiêm trọng. Đáng chú ý, đối tượng mắc bệnh tâm thần, đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp “ngáo đá” gây án giết người, cố ý gây thương tích còn diễn biến rất phức tạp. Đã xảy ra nhiều vụ đối tượng mắc bệnh tâm thần, “ngáo đá” giết người hoặc gây thương tích đối với nhiều người, kể cả bố, mẹ, người thân trong gia đình. Tình hình trên đã gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân ở nhiều địa phương và gây phức tạp về an ninh, trật tự ở cơ sở.

Điển hình như vụ đối tượng Thạch Sà Khel bị tâm thần sử dụng dao chém chết 03 người, chém bị thương 09 người xảy ra ngày 24/7/2018 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Vụ Nguyễn Văn Tần bị tâm thần giết mẹ và bà nội xảy ra ngày 02/5/2018 tại Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Vụ Hoàng Thị Sen, sinh năm 1985, siết cổ giết cháu và con đẻ tại Thanh Oai, Hà Nội. Vụ Nguyễn Việt Cường sau khi sử dụng ma túy đá đã nhét 33 nhánh tỏi vào miệng chị Trần Mỹ Huyền gây tử vong tại Ba Đình, Hà Nội…

 

Đối tượng tâm thần khó kiểm soát hành vi phạm tội. Ảnh Internet

 

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn quốc hiện có khoảng 200.000 người bị bệnh tâm thần nặng. Người bị bệnh tâm thần có khả năng gây án, phạm tội cao gấp 6 đến 7 lần người bình thường, tập trung chủ yếu ở ba dạng là: Tâm thần phân liệt; tâm thần hoang tưởng; tâm thần trầm cảm. Tuy nhiên, cả nước hiện chỉ có 26 trung tâm chăm sóc, điều trị cho khoảng 10.000 bệnh nhân tâm thần, số người bệnh còn lại chủ yếu sống cùng người thân tại gia đình hoặc ngoài xã hội, nguy cơ có thể gây nguy hiểm tính mạng cho những người xung quanh bất cứ lúc nào, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự.

 

 

Lực lượng chức năng khống chế đối tượng ngáo đá. Ảnh Internet

 

Bên cạnh đó, một số đối tượng, nhất là đối tượng lưu manh, côn đồ trong các băng nhóm tội phạm lợi dụng chính sách nhân đạo trong pháp luật hình sự của Nhà nước ta đối với người mắc bệnh tâm thần phạm tội, đã mua chuộc, móc nối với số cán bộ tha hóa biến chất làm việc trong các cơ quan y tế để làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần nhằm tránh trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội, gây bức xúc trong nhân dân. Điển hình như vụ Lê Thanh Tùng, sinh năm 1986 ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là đối tượng cầm đầu gây ra vụ án cố ý gây thương tích, có tính chất côn đồ, hoạt động băng nhóm thanh toán nhau tại Hà Nội, đã chi 85 triệu đồng để mua hồ sơ bệnh án tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, mặc dù đối tượng bị tâm thần, đối tượng “ngáo đá” chưa gây ra các vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, nhưng đã có một số vụ đối tượng “ngáo đá” gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Trước thực trạng phức tạp của tình hình, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các trường hợp người bị mắc bệnh tâm thần, người sử dụng ma túy tổng hợp “ngáo đá” thực hiện hành vi phạm tội, lãnh đạo Công an tỉnh đã có sự chỉ đạo quyết liệt đối với các lực lượng Công an trong việc:

Tích cực phối hợp với các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tiến hành điều tra cơ bản, rà soát, lên danh sách số đối tượng mắc bệnh tâm thần, đối tượng có tiền sử mắc bệnh tâm thần, đối tượng có biểu hiện mắc bệnh tâm thần và đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp hiện đang có mặt ở địa phương, đặc biệt chú ý số đối tượng mắc bệnh tâm thần có điều kiện, khả năng, nguy cơ phạm tội.

Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp có biện pháp quản lý, đồng thời động viên gia đình đưa người mắc bệnh tâm thần vào y tế điều trị, chữa bệnh. Đối với các đối tượng nghiện ma túy nặng, cần khẩn trương lập hồ sơ quản lý chặt chẽ, phối hợp kiên quyết đề xuất đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhận biết ban đầu về các dấu hiệu của bệnh tâm thần; mối nguy hại tiềm ẩn từ các đối tượng mắc bệnh tâm thần, đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp “ngáo đá” tác động xấu đến an ninh, trật tự tại cộng đồng dân cư…để người dân chủ động phát hiện, các đơn vị, địa phương có biện pháp quản lý, phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Đối với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cần chú trọng công tác điều tra cơ bản, lập danh sách quản lý số đối tượng nghiện ma túy nặng, đối tượng thường xuyên sử dụng ma túy tổng hợp “ngáo đá” để củng cố hồ sơ đưa đối tượng vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Lập án đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, ngăn chặn “nguồn cung” nhằm làm trong sạch địa bàn.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý các đối tượng tâm thần thực hiện các hành vi phạm tội. Đối với các đối tượng có biểu hiện tâm thần gây án, cần khẩn trương thu thập tài liệu củng cố hồ sơ bệnh án, trưng cầu giám định pháp y tâm thần để xác định rõ năng lực trách nhiệm hình sự của đối tượng tại thời điểm gây án để áp dụng biện pháp ngăn chặn cho phù hợp. Trường hợp xác định đối tượng chỉ bị tâm thần sau khi gây án, cần củng cố chặt chẽ hồ sơ để làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự sau khi đối tượng đã thi hành xong biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Đối với các vụ án mà đối tượng gây án đã có hồ sơ bệnh án tâm thần từ trước, cần xác minh, làm rõ, tránh trường hợp lập hồ sơ bệnh án tâm thần giả để trốn tránh trách nhiệm hình sự.

CBCS khi thi hành nhiệm vụ cần nâng cao ý thức trách nhiệm, kỹ năng nghề nghiệp nhằm xử lý các vụ việc liên quan đến đối tượng tâm thần, đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp “ngáo đá”, bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, an toàn cho lực lượng thi hành công vụ, cho nhân dân và cho bản thân đối tượng.

 

                                                                    Trang Thông Tin Điện Tử Công an Quảng Bình