Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn Quảng Bình trong tình hình hiện nay

8737
Đánh giá bài viết

Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là những loại phương tiện đặc biệt, có liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm sử dụng vũ khí quân dụng, mìn tự tạo để cướp, giết, khủng bố cá nhân và chống người thi hành công vụ. Đã hình thành nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” thường sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để giải quyết mâu thuẫn, trả thù, tranh giành địa bàn, xiết nợ, đòi nợ thuê… Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tình hình vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn diễn biến phức tạp.

Một bộ phận người dân vì lợi ích kinh tế vẫn cố ý đào bới, tìm kiếm, mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ dẫn đến nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Một số đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa do phong tục, tập quán vẫn lén lút cất giữ số lượng lớn súng săn, súng tự chế để sử dụng vào mục đích riêng. Đặc biệt, số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do các loại đối tượng tàng trữ trái phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các vụ án nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, do đó công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cần phải được tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Công an Quảng Bình vận động thu hồi vũ khí trong nhân dân

Những năm qua, công tác đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo chức năng của lực lượng Công an đã được phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ, hạn chế được tình trạng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trôi nổi, gây nguy hiểm cho xã hội. Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và trong các đợt cao điểm vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ từ huyện, thị xã, thành phố xuống các xã, phường, thị trấn thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt. Các lực lượng chức năng như Công an, Quân sự, Biên phòng, Hải quan đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tập trung tại các địa bàn trọng điểm phức tạp về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Trong đó, lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện. Các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường tuyên truyền phổ biến công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để mọi người dân biết và thực hiện. Tổ chức hàng trăm buổi họp dân để tuyên truyền với hơn 299.075 lượt người tham gia; ký cam kết cho hơn 130.000 hộ dân, 4.750 hộ kinh doanh, trên 242.000 học sinh, sinh viên ký cam kết không mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trái phép. Vận động thu hồi được 89 khẩu súng quân dụng, 699 khẩu súng các loại (súng săn, súng kíp, súng hơi, súng tự chế); 1.891,09 kg thuốc nổ, 259 kíp nổ; 7.581 viên đạn các loại và 13 kg đạn AK47; 392,63cm dây cháy chậm; 295 quả bom, mìn, lựu đạn, đầu đạn; 198 quả mìn tự tạo; 11 công cụ hỗ trợ và 4.402 vũ khí thô sơ các loại; 499 bộ kích điện; 3.623 đồ chơi nguy hiểm. Trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, các lực lượng chức năng đã phát hiện 57 vụ với 124 đối tượng liên quan; thu 3.019,18kg thuốc nổ, 40 kg thuốc bom, 01 quả bom nặng 225 kg; 306 kíp nổ; 233,76cm dây cháy chậm; 16 quả mìn tự tạo; 16 súng các loại; 07 bình xịt hơi cay; 18 vũ khí thô sơ. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, cụ thể đó là:

Thứ nhất, do đặc điểm địa hình, địa bàn tuyến biển, tuyến biên giới dài, rộng nên công tác tuyên truyền và vận động nhân dân sống tại các xã miền núi dọc tuyến biên giới Việt Lào, tuyến biển tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của một bộ phận người dân ở các xã vùng biển, vùng sâu, vùng xa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Các loại vũ khí, bom, mìn sót lại sau chiến tranh còn khá nhiều, một số người dân nhặt được hoặc đào bới tìm kiếm được không tự giác giao nộp mà lén lút sử dụng để săn bắn động vật hoang dã và đánh bắt thủy, hải sản.

Thứ hai, tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để gây án, trả thù cá nhân, tranh giành địa bàn hoạt động của các băng, ổ, nhóm tội phạm. Đặc biệt, thời gian gần đây, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thông qua internet, các trang mạng xã hội, dịch vụ bưu chính diễn biến phức tạp nên gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình xác minh, điều tra và xử lý.

Thứ ba, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có kho chuyên dụng để bảo quản các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sau khi thu gom nên công tác phân loại, bảo quản chưa đảm bảo an toàn.

Thứ tư, cán bộ làm công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại một số cơ quan, đơn vị phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, một số cán bộ chưa được đào tạo đúng chuyên ngành; chưa có chế độ đặc thù cho lực lượng trực tiếp thực hiện công tác này, mặc dù đây là nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm và độc hại.

Thứ năm, kinh phí phục vụ công tác tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, rà soát, phổ biến, tuyên truyền, nhất là công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chưa được bảo đảm đầy đủ nên hiệu quả chưa cao.

Để công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới, thời gian tới cần thực hiện hiệu quả một số nội dung trọng tâm sau:

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành với những nội dung phù hợp cho từng đối tượng cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, nhất là đối với người trực tiếp làm công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội.

2. Công an các đơn vị, địa phương phải xác định được tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chủ động phối hợp với các lực lượng như Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển…làm tốt công tác điều tra cơ bản, tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, bắt giữ các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ qua biên giới. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đưa ra truy tố, xét xử một số vụ điển hình phục vụ phòng ngừa, răn đe, giáo dục chung.

3. Tăng cường công tác đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thường xuyên tổ chức kiểm tra đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị được trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi vi phạm, hạn chế tình trạng mất, thất lạc; tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

4. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

5. Đề xuất biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc và lên án, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong công tác đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Trung tá, Ths Phạm Thanh Hoàng                      

Phó Trưởng phòng phụ trách, phòng Cảnh sát QLHC về TTXH