Tăng cường phối hợp phòng ngừa tội phạm trong độ tuổi vị thành niên trên địa bàn huyện Quảng Ninh

282
Đánh giá bài viết

Thời gian qua, tình hình tội phạm trong độ tuổi vị thành niên trên địa bàn huyện Quảng Ninh diễn biến khá phức tạp, các vụ việc ngày càng có tính chất nghiêm trọng, đối tượng phạm tội ngày càng được trẻ hóa về độ tuổi, gây tâm lý lo lắng trong quần chúng nhân dân.

Theo thống kê trong 5 năm (2011-2015), trên địa bàn toàn huyện đã phát hiện 77 vụ, liên quan 105 đối tượng chưa thành niên vi phạm pháp luật. Công an huyện Quảng Ninh đã xử lý hình sự 27 đối tượng; xử lý hành chính 78 đối tượng. Trong năm 2017 đã xảy ra 19 vụ vi phạm pháp luật do người chưa thành niên gây ra, liên quan 16 đối tượng (tăng 03 vụ so với năm 2016), trong đó có 18 vụ/12 đối tượng trộm cắp tài sản, 01 vụ/04 vụ gây rối trật tự công cộng, Công an huyện đã xử lý hình sự 02 vụ/03 đối tượng, xử lý hành chính 17 vụ/13 đối tượng. Những tháng đầu năm 2018, trên địa bàn huyện đã xảy ra một số vụ án do người chưa thành niên thực hiện. Điển hình như vụ 02 đối tượng chưa thành niên gồm Phạm Nhật Linh (SN 2002 ở Tiểu khu 4, thị trấn Quán Hàu) và Nguyễn Đình Hân (SN 2004 ở thôn Văn La, Lương Ninh) đã cùng nhau thực hiện liên tiếp hai vụ cướp tài sản trong cùng một ngày tại địa bàn thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh; vụ bắt đối tượng Vũ Đức Bảo (SN 2004 ở Trịnh Xuyên, Nghĩa An, Ninh Giang, Hải Dương) có hành vi trộm cắp xe mô tô tại thôn Bắc Ngũ, Gia Ninh, qua đấu tranh Bảo còn khai nhận đã cùng hai đối tượng khác thực hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản dọc tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa bàn các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới.

Các vụ vi phạm pháp luật do người chưa thành niên gây ra trên địa bàn huyện Quảng Ninh chủ yếu là các vụ xâm phạm về sở hữu, như trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cướp giật tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, đánh bạc, … Các đối tượng phạm tội chủ yếu có độ tuổi từ 14 đến 18 tuổi, trong đó độ tuổi từ 16 đến 18 tuổi chiếm đa số, các đối tượng trong độ tuổi từ 14 đến 16 tuổi đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà các đối tượng gây ra. Nguy hiểm hơn, nhiều đối tượng đã manh nha có sự cấu kết, hình thành các băng, ổ nhóm phạm tội qua đó gây ra những vụ phạm pháp với tính chất chuyên nghiệp và mức độ nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân của tình trạng phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên trước hết là do phương pháp quản lý, giáo dục trẻ em chưa tốt từ phía gia đình (Quá nuông chiều, thỏa mãn và đáp ứng mọi yêu cầu vật chất của con cái khi các nhu cầu này không chính xác). Một số trẻ em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, thiếu thốn tình cảm của cha mẹ; những trẻ em rơi vào hoàn cảnh này thường bị rủ rê, lôi kéo vào hành vi tiêu cực, phạm tội. Nhiều gia đình thiếu trách nhiệm, không quan tâm hay việc phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc quản lý, giáo dục con cái. Mặt khác, do đặc điểm phát triển về tâm sinh lý của lứa tuổi chưa thành niên chưa hoàn thiện, dễ bị kích động, khó kiềm chế, đặc biệt nhận thức xã hội của các em còn hạn chế; kiến thức pháp luật và ý thức pháp luật chưa cao dẫn đến dễ mắc sai phạm…

Trước tình hình đó, Công an huyện Quảng Ninh đã tập trung đẩy mạnh công tác phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính nhằm hạn chế, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ các hành vi vi phạm pháp luật do người chưa thành niên phạm tội gây ra trên địa bàn. Vì vậy, Công an huyện Quảng Ninh đã tham mưu Cấp ủy, Chính quyền địa phương huy động sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, quần chúng nhân dân, các cấp các ngành có liên quan cùng vào cuộc và phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động, phòng ngừa lứa tuổi vị thành niên phạm tội, vi phạm pháp luật.

Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức, nội dung phong phú, như tuyên truyền lồng ghép, cấp phát tài liệu, tờ rơi; tổ chức các diễn đàn, các buổi giao lưu; xây dựng mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng”… và có sự phối hợp, vào cuộc của các ngành, đoàn thể như ngành Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên và chính quyền các cấp. Qua đó, góp phần định hướng nhân cách, lối sống, giáo dục pháp luật cho trẻ, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân về ngăn ngừa, phòng chống tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên.

Song song với công tác tuyên truyền, công tác phòng ngừa nghiệp vụ, điều tra, rà soát, phòng ngừa trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật được các đội nghiệp vụ Công an huyện và Công an các xã, thị trấn đặc biệt chú trọng, như: Tiến hành rà soát những thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên bỏ nhà đi lang thang, các đối tượng sử dụng ma túy, có biểu hiện nghi vấn phạm tội, phân loại từng nhóm đối tượng và các hành vi vi phạm, mở hồ sơ chuyên đề để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh. Chỉ đạo Công an các xã rà soát, lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với những đối tượng là người chưa thành niên có nhiều vi phạm (Năm 2017 đã lập hồ sơ đưa 02 trường hợp vào Trường giáo dưỡng). Tổ chức điều tra, khám phá nhanh các vụ án đã xảy ra và phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án mở các phiên tòa xét xử lưu động nhằm răn đe, giáo dục chung đối với mọi người dân, nhất là lứa tuổi vị thành niên.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên, thời gian tới Công an huyện Quảng Ninh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ công tác sau:

1. Tích cực tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể thường xuyên phát động các phong trào, tạo sân chơi lành mạnh cho thanh, thiếu niên, đồng thời tham gia tích cực trong việc đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đưa công tác phòng ngừa tội phạm trong độ tuổi vị thành niên trở thành hoạt động thường xuyên của các cấp, các ngành và nhân dân.

2. Tăng cường phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể, nhà trường, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Đài truyền thanh huyện trong việc tuyên truyền thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020, Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020, Luật trẻ em năm 2016, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự,… để nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, nhất là đối với trẻ em và người chưa thành niên về các quy định của pháp luật, cũng như biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, qua đó nhằm loại bỏ dần những nguyên nhân, điều kiện đưa đẩy các em vào con đường phạm tội, vi phạm pháp luật.

3. Đẩy mạnh việc phối hợp với gia đình, nhà trường và các ban ngành, đoàn thể, mặt trận trong việc quản lý, giáo dục trẻ em, người chưa thành niên, đặc biệt là đối với những em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, sống trong gia đình không hoàn thiện (Như bố mẹ ly thân, ly hôn, …), quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng”, “Quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư vi phạm pháp luật tại địa bàn cơ sở” để quản lý, giáo dục những thanh, thiếu niên, học sinh cá biệt, có biểu hiện xấu, biểu hiện vi phạm pháp luật; duy trì phong trào xây dựng gia đình văn hóa, phòng chống bạo lực gia đình. Định kỳ cần phối hợp tổ chức sơ kết, tổng kết và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong thực hiện công tác này.

4. Lực lượng Cảnh sát hình sự tăng cường phối hợp với Công an phụ trách xã, Công an các xã và các lực lượng chức năng khác thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, giáo dục các đối tượng là người chưa thành niên vi phạm pháp luật tại gia đình và cộng đồng dân cư theo Nghị định 111/2013/NĐ-CP, phối hợp với phòng Tư pháp huyện, Tòa án nhân dân huyện trong việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa đi Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng đối với các đối tượng là người chưa thành niên vi phạm pháp luật để quản lý, giáo dục, không để các đối tượng tiếp tục phạm tội nghiêm trọng hơn. Phối hợp với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy rà soát, lên danh sách các đối tượng là người chưa thành niên có biểu hiện nghiện ma túy, qua đó có biện pháp quản lý, giáo dục kịp thời không để các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội; phối hợp với Cảnh sát QLHC về TTXH, Cảnh sát giao thông và các cơ quan có thẩm quyền tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ Internet, cầm đồ, nhà nghỉ, khách sạn…; đồng thời tổ chức giám sát, tuần tra nghiệp vụ trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội để ngăn ngừa và giảm thiểu tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên.

Trung tá, Ths Nguyễn Đức Tới        

Phó Trưởng Công an huyện Quảng Ninh