tăng cường quản lý can phạm nhân, phòng chống suy kiệt, ốm đau trong nhà tạm giữ, trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình

576
Đánh giá bài viết

 

Trong 5 năm (từ 2011-2015), các  Nhà  tạm  giữ, Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận, quản lý 2.704 can phạm nhân, trong đó nhiều đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm, phức tạp, nổi lên là số đối tượng phạm tội giết người; phạm các tội liên quan đến ma tuý, số có tiền án, bản chất lưu manh chuyên nghiệp, diễn biến tư tưởng tiêu cực, có ý định trốn, thông cung liên lạc, tự sát; đối tượng lên cơn nghiện do sử dụng ma tuý trước khi bị bắt, có hành vi quậy phá, thậm chí chống đối; một số đối tượng có nguy cơ ốm đau, suy kiệt do điều kiện sống khó khăn không có người nuôi dưỡng, bị mắc một số bệnh nặng, lây nhiểm, nhiều đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS và bệnh xã hội trước khi bị bắt, cá biệt có trường hợp khi chuyển từ Nhà tạm giữ lên giam giữ tại Trại tạm giam bị ốm đau, sức khoẻ yếu gây khó khăn cho công tác quản lý giam giữ.

Để tăng cường công tác quản lý can phạm nhân, phòng chống suy kiệt, ốm đau, lực lượng Cảnh sát Nhà tạm giữ, Trại tạm giam Công an tỉnh đã quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản quy định của Nhà nước, của Bộ Công an về công tác quản lý giam giữ. Ban chỉ huy Nhà tạm giữ, Trại tạm giam chỉ đạo cán bộ chiến sỹ tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ. Khi tiếp nhận giam giữ can phạm nhân, cán bộ Nhà tạm giữ, Trại tạm giam phổ biến nội quy, quy chế Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, quyền lợi và nghĩa vụ của can phạm nhân để họ biết chấp hành. Thực hiện nghiêm ngặt công tác tuần tra, canh gác bảo vệ Nhà tạm giữ, Trại tạm giam. Duy trì chế độ điểm danh, kiểm diện, kiểm tra lục buồng giam, khu vực giam giữ, kiểm tra người, tài sản, đồ dùng tiếp tế của can phạm nhân để phát hiện thu giữ vật cấm, phòng ngừa can phạm nhân sử dụng thực hiện các hành vi tiêu cực; thường xuyên giáo dục, thuyết phục can phạm nhân, nhằm làm cho can phạm nhân chuyển biến về tư tưởng, nhận thức được lỗi lầm, chấp hành tốt nội quy, quy chế  giam giữ.

Ngoài ra, việc quan hệ phối hợp trong công tác quản lý can phạm nhân được các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam quan tâm thực hiện, trong đó phối hợp giữa Nhà tạm giữ, Trại tạm giam với cơ quan điều tra theo Thông tư số 54/2012/TT-BCA ngày 21/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an. Quá trình phối hợp đã làm tốt việc trao đổi thông tin liên quan đến người bị tạm giữ, tạm giam khi mới bị bắt, phối hợp trong việc theo dõi tình hình sức khỏe, đối với các trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam ốm đau nặng, có biểu hiện thần kinh không bình thường để cơ quan điều tra có căn cứ theo dõi, hoàn thành các thủ tục giải quyết cho người bị tạm giữ, tạm giam được thay đổi biện pháp ngăn chặn hoặc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh không để người bị tạm giữ, tạm giam ốm đau nặng, chết trong Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.

Cùng với việc quản lý can phạm nhân, các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam đã thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, nhất là đảm bảo chế độ, tiêu chuẩn định lượng ăn, quyền nghĩa vụ đối với can phạm nhân, không để xảy ra trường hợp xâm phạm đến tính mạng, nhân phẩm, sức khoẻ của người bị giam giữ, không để can phạm nhân ốm đau, suy kiệt. Trong đó, việc khám chữa bệnh đối với can phạm nhân được thực hiện từ khi tiếp nhận giam giữ, các trường hợp can phạm nhân mới nhập trại đều được y, bác sỹ khám kiểm tra sức khoẻ. Những can phạm nhân bị bệnh, nhiễm HIV/AIDS, bị thương tích được Nhà tạm giữ, Trại tạm giam khám, điều trị hoặc chuyển viện tuyến trên khi vượt quá khã năng; số đối tượng nghiện ma tuý trước khi bị bắt, lên cơn nghiện vật vã, cá biệt có đối tượng sử dụng ma tuý đá thần kinh không bình thường, không chịu ăn uống… Cán bộ Nhà tạm giữ, Trại tạm giam thực hiện các biện pháp cai nghiện trong điều kiện không có thuốc phục vụ cắt cơn nghiện, sử dụng phương pháp tác động tâm lý giúp can phạm nhân dùng ý chí, nghị lực của bản thân để cắt cơn nghiện, cán bộ y tế phối hợp theo dõi hỗ trợ điều trị khi có rối loạn về hô hấp, tim mạch. Can phạm nhân ốm đau, bị bệnh lây nhiễm cán bộ Nhà tạm giữ, Trại tạm giam không phân biệt đối xử đã có tác dụng giúp can phạm nhân quyết tâm vượt qua bệnh tật, sớm hồi phục sức khoẻ. Việc thực hiện các chế độ đối với can phạm nhân đúng quy định của Nhà nước; ngày Lễ, Tết can phạm nhân được ăn gấp 5 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường; giải quyết kịp thời việc thăm gặp, gửi quà cho can phạm nhân; đảm bảo chỗ nằm tối thiểu, cấp phát hoặc cho mượn đầy đủ quần áo, chăn màn, đồ dùng sinh hoạt, đảm bảo đủ ấm cho can phạm nhân trong các ngày giá rét. Kiểm tra vệ sinh môi trường, phòng dịch khu vực giam giữ thường xuyên, cung cấp nước uống hợp vệ sinh. Trại tạm giam được lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt trước khi chảy ra bên ngoài đạt tiêu chuẩn. Định kỳ hàng năm phối hợp Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh xét nghiệm bệnh cho can phạm nhân. Trong 05 năm qua đã tổ chức khám, điều trị bệnh cho 3.201 lượt can phạm nhân, cắt cơn nghiện ma tuý cho 230 đối tượng, không để dịch bệnh, ốm đau suy kiệt chết trong Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý can phạm nhân và việc phòng chống ốm đau, suy kiệt đối với can phạm nhân thời gian qua còn có một số khó khăn, tồn tại đó là: Hệ thống các văn bản pháp luật quy định về công tác quản lý giam giữ còn thiếu cụ thể, một số văn bản hướng dẫn về công tác tạm giữ, tạm giam trong khi chờ triển khai thực hiện Luật thi hành tạm giữ, tạm giam còn thiếu đồng bộ. Việc quan hệ phối hợp giữa Nhà tạm giữ, Trại tạm giam với các đơn vị nghiệp vụ, điều tra chưa thực sự chặt chẽ, thiếu thường xuyên. Biên chế của lực lượng cán bộ được đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành quản lý giam giữ can phạm nhân tại các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam còn thiếu, nhiều đồng chí trẻ, chưa có kinh nghiệm. Một số Nhà tạm giữ cơ sở vật chất, trang bị phương tiện còn thiếu, công tác y tế chưa được triển khai đầy đủ, chưa có đội ngũ y, bác sỹ và phương tiện phục vụ khám chữa bệnh vì vậy việc chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho can phạm nhân thiếu kịp thời.

Cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình phổ biến nội quy, quy chế Trại tạm giam, quyền lợi và nghĩa vụ của can phạm nhân
Cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Bình phổ biến nội quy, quy chế Trại tạm giam, quyền lợi và nghĩa vụ của can phạm nhân

 

Thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý can phạm nhân, phòng chống ốm đau, suy kiệt trong Nhà tạm giữ, Trại tạm giam cần phải thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, pháp luật nhằm nâng cao nhân thức cho cán bộ chiến sỹ làm công tác quản lý giam giữ tại các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam. Kịp thời phổ biến quán triệt cho cán bộ chiến sỹ nắm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giam giữ, đặc biệt là Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản hướng dẫn.

Thứ hai, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, bổ sung biên chế cho Nhà tạm giữ, Trại tạm giam đảm bảo yêu cầu công tác quản lý, giam giữ trong tình hình mới. Đối với các Nhà tạm giữ cần trang bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ y tế phục vụ khám chữa bệnh

Thứ ba, thực hiện có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ trong công tác công tác quản lý can phạm nhân, chú trọng làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản; xây dựng, bổ sung và tổ chức tập huấn phương án bảo vệ  Nhà tạm giữ, Trại tạm giam; xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm kỷ luật, nội quy giam giữ của can phạm nhân, tìm rõ nguyên nhân để có biện pháp phòng ngừa.

Thứ tư, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với can phạm nhân, đặc biệt là đảm bảo định lượng thực phẩm ăn hàng ngày của can phạm nhân và tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh, kiểm tra phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường khu vực giam giữ, tuyệt đối không để dịch bệnh, ốm đau, suy kiệt chết trong Nhà tạm giữ, Trại tạm giam.

Trung tá, Thạc sỹ Trần Đình Kỷ

Đội trưởng- Trại tạm giam