Tăng cường tuyên truyền phòng chống thiên tai góp phần bảo đảm an sinh xã hội của đất nước

776
Đánh giá bài viết

Những năm gần đây, thiên tai trên thế giới và khu vực diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, là một trong những mối lo lớn nhất của nhân loại. Các trận thiên tai lớn những năm gần đây đã gây thảm họa cho nhiều quốc gia như: Động đất, sóng thần tại Nhật Bản tháng 3/2011 làm chết và mất tích 18.500 người, thiệt hại về kinh tế khoảng 300 tỷ USD; siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippin tháng 11/2013 làm chết và mất tích 7.800 người, thiệt hại kinh tế trên 820 triệu USD; lũ lụt tại Thái Lan vào tháng 10/2011 làm chết 747 người, thiệt hại kinh tế 45 tỷ USD. Năm 2017, 02 siêu bão đổ bộ vào nước Mỹ và gây ra mưa lớn kỷ lục với trên 34 tỷ m3, làm chết và mất tích trên 100 người, tổng thiệt hại năm 2017 của nước Mỹ là 306 tỷ USD…

Một tình huống diễn tập phòng chống thiên tai

Tại Việt Nam, trong 20 năm vừa qua, các khu vực trên cả nước ta đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động đến môi trường sống, hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước (trung bình mỗi năm thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP). Tình hình thiên tai có những diễn biến bất thường, trái quy luật, ngày càng nghiêm trọng hơn cả về cường độ và tần suất. Thiên tai xảy ra nhiều hơn ở các vùng, miền trước đây ít xảy ra. Rủi ro thiên tai một số vùng tăng do phát triển kinh tế nhanh, quy mô lớn nhưng cơ sở hạ tầng thiếu bền vững. Chẳng hạn như: Năm 2016, có 10 cơn bão và 07 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có 05 cơn bão và 02 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp và gây thiệt hại đến nước ta, làm 3.434 nhà bị sập, cuốn trôi; 87.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; gần 3000 nhà bị ngập nước… Tổng thiệt hại kinh tế là 11.628 tỷ đồng. Gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra trên 300 trận lũ quét, sạt lở đất với quy mô và phạm vi ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Năm 2017, lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, làm 71 người chết và mất tích, 4.109 ngôi nhà bị sập, bị cuốn trôi. Hiện nay vẫn còn 13.246 hộ sinh sống tại những nơi không bảo đảm an toàn có nguy cơ cao ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất.

Diễn tập sơ tán dân đến nơi an toàn.

Trước thực trạng trên, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Do đó những năm qua, Việt Nam đã thực hiện các giải pháp quản lý tổng hợp, đồng bộ theo hệ thống, lưu vực, liên vùng, liên ngành, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ kết hợp với kế thừa những kinh nghiệm truyền thống. Ngày càng nhiều các công trình phòng, chống thiên tai được xây dựng; đội ngũ cán bộ làm công tác thiên tai được nâng cao, chính sách về tài chính để hỗ trợ cho công tác này ngày càng được thúc đẩy… Đặc biệt, công tác tuyên truyền về phòng, chống thiên tai ngày càng được đẩy mạnh góp phần đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương, có hiệu quả trong các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Công tác tuyên truyền đã chú trọng vào tuyên truyền kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão, úng ngập, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Chú trọng tuyên truyền về các trọng điểm và vị trí xung yếu trên các tuyến đê để nhân dân biết.

Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến về các loại thiên tai, các cấp chính quyền cũng đã tổ chức các lớp bổ túc những kiến thức cơ bản, những kinh nghiệm về phòng, chống lụt, bão, úng ngập; về tính chất, diễn biến bất thường của mưa, lũ, bão; vận động, tổ chức hướng dẫn cho nhân dân những biện pháp chủ động chuẩn bị, tự tổ chức phòng, chống lụt, bão, úng ngập, giảm nhẹ thiên tai của địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, thực hành triển khai các phương án bảo đảm kịp thời xử lý các sự cố do lụt, bão nhằm khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.

Hình thức tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú của các tổ chức đảng, đoàn thể, khu dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, trường học…, trong đó chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng. Vận động nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống cho gia đình và tham gia công tác phòng, chống lụt, bão, úng ngập, giảm nhẹ thiên tai của địa phương… Bên cạnh đó, một số địa phương, đơn vị đã tổ chức tập huấn, diễn tập cho các lực lượng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch đảm bảo hiệu quả, khả thi và sát với tình hình thực tế. Chẳng hạn như: Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tại địa bàn Cửa Lò, Nghệ An (tháng 4/2018); tỉnh Quảng Bình tổ chức diễn tập tại xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa (năm 2017)…

Hoạt động thông tin, truyền thông trong phòng, chống thiên tai những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về chất và lượng, phản ánh sát thực tiễn, đáp ứng nhu cầu thông tin của cộng đồng. Thông tin về dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là chỉ đạo từ Trung ương xuống các địa phương về việc ứng phó với thiên tai đã được truyền tải kịp thời, chính xác đến người dân qua nhiều phương thức khác nhau. Các nhà báo đã không quản khó khăn, nguy hiểm, đồng hành cùng những người làm công tác phòng, chống thiên tai để cung cấp, chia sẻ, phản ánh thông tin kịp thời, chính xác công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Có thể khẳng định: Công tác tuyên truyền về phòng, chống thiên tai những năm qua đã được các cấp, các ngành đặc biệt chú trọng, làm hạn chế đến mức tối đa những thiệt hại, hạn chế do thiên tai gây ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền về phòng, chống thiên tai còn tồn tại một số hạn chế như: Nội dung tuyên truyền chưa phong phú, hấp dẫn, chỉ chú trọng tuyên truyền khi diễn biến thiên tai sắp hoặc đang xảy ra; mảng tuyên truyền về đê điều, thủy lợi chưa được chú trọng; một số thông tin, tuyên truyền chưa thực sự chính xác làm người dân còn chủ quan, không có giải pháp kịp thời trước những khắc nghiệt của thời tiết.

Vì vậy, để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, môi trường, các hoạt động kinh tế xã hội, góp phần phát triển bền vững đất nước, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp chính như sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với tuyên truyền ở cơ sở nhằm kịp thời chuyển tải thông tin tới từng người dân để họ chủ động chuẩn bị, phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tích cực truyền tải thông tin chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng, chống thiên tai của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các bộ ngành đến các cấp chính quyền và người dân.

Hai là, cần thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai các cấp với các cơ quan thông tin đại chúng nhất là trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin về các hoạt động ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng.

Ba là, phản ánh những vấn đề cần được nghiên cứu, bổ sung như quy chế phối hợp điều hành các lực lượng cùng tham gia ứng phó thiên tai; quy định về việc thành lập và cơ chế, chính sách, phương thức sử dụng quỹ phòng, chống thiên tai; điều chỉnh quy trình hỗ trợ ứng cứu và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, đặc biệt ở một số nội dung cần xử lý ngay như hỗ trợ lương thực, thực phẩm, hóa chất tiêu độc khử trùng, xử lý môi trường sau bão, lũ, hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất…

Bốn là, các cơ quan truyền thông cần chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống các loại hình thiên tai; tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng, đăng tải, phát hành bản tin cảnh báo, dự báo, nội dung chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng… đến người dân để giảm thiểu thiệt hại thiên tai; kêu gọi tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai vượt qua khó khăn.

Trần Như Mai