Thông tư hướng dẫn về một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

81
Đánh giá bài viết

Ngày 28/8/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 12/2018/TT-BTP về một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (sau đây gọi là Thông tư).

Ảnh minh họa.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/10/2018 và thay thế Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23 tháng 9 năm 2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý; Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; bãi bỏ Điều 1 Thông tư số 19/2011/TT-BTP ngày 31/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành chính của Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/9/2008, Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 và Thông tư số 01/2010/TT-BTP ngày 09/02/2010 của Bộ Tư pháp.

Thông tư quy định một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, với 19 điều được chia thành 04 Chương, bao gồm: chương 1 về quy định chung, chương 2 về một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, chương 3 về quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, chương 4 về điều khoản thi hành.
Các trường hợp tiến hành thụ lý ngay theo quy định tại khoản 4 Điều 30 của Luật Trợ giúp pháp lý được Thông tư hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất (Điều 6). Theo đó, trường hợp sắp hết thời hiệu khởi kiện được hiểu là thời hiệu khởi kiện của vụ việc còn dưới 05 ngày làm việc; trường hợp sắp đến ngày xét xử được hiểu là ngày xét xử theo quyết định đưa vụ án ra xét xử còn dưới 05 ngày làm việc; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng chuyển yêu cầu trợ giúp pháp lý là các trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các trường hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 31 của Luật Trợ giúp pháp lý mà cơ quan tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm; và các trường hợp để tránh gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý thì giao cho người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý quyết định.
Đồng thời, Thông tư quy định thời hạn bổ sung giấy tờ, tài liệu trong trường hợp thụ lý ngay tương ứng thời hạn tối đa vụ việc diễn ra và người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng thực hiện các bước về thủ tục, hạn chế tình trạng vụ việc được người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện xong vụ việc rồi nhưng phát hiện ra người thụ hưởng không thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý (thời gian bổ sung giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý là 05 ngày làm việc).
Tuy nhiên, để bảo đảm tối đa quyền lợi của người được trợ giúp pháp lý ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các trường hợp bất khả kháng, Thông tư có quy định ngoại lệ về thời gian bổ sung giấy tờ, tài liệu của người được trợ giúp pháp lý dài hơn so với thời hạn tối đa vụ việc diễn ra (thời gian bổ sung giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý là 10 ngày làm việc). Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý trong thời hạn quy định nêu trên thì vụ việc trợ giúp pháp lý không được tiếp tục thực hiện. Việc không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người được trợ giúp pháp lý.
– Việc thực hiện trợ giúp pháp lý (Điều 8), Thông tư đặt ra yêu cầu việc thực hiện trợ giúp pháp lý cần bám sát yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý, tuân thủ các nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý và sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người được trợ giúp pháp lý. Đồng thời, quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tổ chức lấy ý kiến phản hồi của người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ về thái độ, trách nhiệm, chuyên môn của người thực hiện trợ giúp pháp lý và mức độ hài lòng đối với vụ việc tham gia tố tụng và vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Quy định này nhằm tạo sự chủ động cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng vụ việc hoặc nguồn lực tại từng thời điểm để phân công người lấy ý kiến cho phù hợp. Ngoài ra, Thông tư còn hướng dẫn việc hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông  tin pháp luật trong trường hợp yêu cầu trợ giúp pháp lý là vướng mắc pháp luật đơn giản quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Trợ giúp pháp lý. Qua đó, Thông tư đã phân biệt rõ giữa việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý và việc trợ giúp pháp lý, cụ thể:
Vụ việc trợ giúp pháp lý phải là các cụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Do đó, vụ việc trợ giúp pháp lý phải qua bước nộp hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, do người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện, phải lập thành hồ sơ vụ việc và được thống kê thành vụ việc trợ giúp pháp lý trong Sổ thụ lý, theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý.
Việc trợ giúp pháp lý là việc hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông  tin pháp luật trong trường hợp yêu cầu trợ giúp pháp lý là vướng mắc pháp luật đơn giản. Do đó, việc trợ giúp pháp lý không phải trải qua bước thụ lý, do người tiếp nhận thực hiện và thực hiện ngay; không lập thành hồ sơ và được thống kê thành việc trợ giúp pháp lý trong Sổ thực hiện việc trợ giúp pháp lý.
Tuy nhiên, một điểm lưu ý ở đây là dù vụ việc trợ giúp pháp lý hay việc trợ giúp pháp lý thì đối tượng thụ hưởng đều là người được trợ giúp pháp lý.
Các quy định này vừa khắc phục được những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, vừa tạo cơ chế chủ động cho cơ quan quản lý về trợ giúp pháp lý trong việc quản lý và đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Qua đó nắm bắt được thực chất chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và đề ra biện pháp quản lý, điều hành phù hợp, bảo đảm người được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng tốt nhất./.
 

Tiêu Dao