Thông tư quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân

1260
Đánh giá bài viết

Ngày 17/4/2020, Bộ Công an ban hành Thông tư số 38/2020/TT-BCA quy định về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong Công an nhân dân; Thông tư gồm 18 điều 03 chương.

Ảnh minh họa.

Thông tư này quy định về xác định bí mật nhà nước (BMNN) và độ mật của BMNN; sao, chụp, thống kê, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, giao, nhận, mang ra khỏi nơi lưu giữ, tiêu hủy tài liệu, vật chứa BMNN; cung cấp, chuyển giao BMNN; tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung BMNN; điều chỉnh độ mật, giải mật; phân công cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ BMNN; chế độ thông tin, báo cáo; trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện công tác bảo vệ BMNN.

Đồng thời, Thông tư này áp dụng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên Công an nhân dân (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ); đơn vị Công an cấp đội, đồn, trạm, tiểu đoàn, xã, phường, thị trấn trở lên (sau đây gọi tắt là đơn vị Công an nhân dân) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tại Chương II của Thông tư đã quy định cụ thể 14 nội dung trong công tác bảo vệ BMNN, trong đó, việc xác định BMNN và độ mật của BMNN quy định: Người đứng đầu đơn vị Công an nhân dân ban hành, phát hành tài liệu hoặc tạo ra vật chứa BMNN có trách nhiệm xác định BMNN và độ mật của BMNN. Việc xác định BMNN và độ mật của BMNN phải căn cứ vào danh mục BMNN thuộc các lĩnh vực do Thủ tướng Chính phủ ban hành và quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Bên cạnh đó, phương tiện, thiết bị sử dụng trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung BMNN được quy định cụ thể tại Khoản 4 Điều 10, như sau: Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung BMNN phải sử dụng micro có dây và các phương tiện, thiết bị được Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an cấp tỉnh kiểm tra an ninh, an toàn trước khi lắp đặt, trừ phương tiện, thiết bị do lực lượng cơ yếu trang bị. Trường hợp hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung BMNN tổ chức bằng hình thức truyền hình trực tuyến phải bảo vệ đường truyền theo quy định pháp luật về cơ yếu;

Cán bộ, chiến sĩ không được mang thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình vào trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung BMNN độ Tuyệt mật, Tối mật. Đối với hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung BMNN độ Mật, việc sử dụng phương tiện, thiết bị được thực hiện theo yêu cầu của người chủ trì;

Trong trường hợp cần thiết, đơn vị Công an nhân dân chủ trì hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung BMNN quyết định việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động xâm nhập, thu tin từ bên ngoài; sử dụng phương tiện, thiết bị để ghi âm, ghi hình phục vụ công tác.

Đối với công tác phân công cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ BMNN, Thông tư này quy định như sau:

– Tại cơ quan Bộ: Cục An ninh chính trị nội bộ có trách nhiệm phân công cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ bảo vệ BMNN trong Công an nhân dân; Các đơn vị trực thuộc Bộ, đơn vị sự nghiệp công lập Công an nhân dân có trách nhiệm phân công cán bộ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ BMNN tại đơn vị tham mưu hoặc hành chính, tổng hợp.
– Tại Công an địa phương: Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phân công cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ bảo vệ BMNN thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ; Các Phòng và tương đương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phân công cán bộ kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ BMNN.
– Cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên trách, kiêm nhiệm bảo vệ BMNN được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 và thay thế Thông tư số 59/2010/TT-BCA-A81 ngày 14 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong lực lượng Công an nhân dân.

Theo Cổng TTĐT Bộ Công an