Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015

274
Đánh giá bài viết

Quyết định số 1359/QĐ-TTg xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm cũng như cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ,… trong triển khai thi hành BLHS năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14.

Ảnh minh họa.

 

 

Ngày 13/9/2017 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1359/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 272/QĐ-TTg ngày 19/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự.

Ngoài nhiệm vụ đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan, tổ chức có liên quan, Quyết định 1359/QĐ-TTg yêu cầu cụ thể nhiệm vụ đối với Bộ Công an như sau:

1. Rà soát các vụ án hình sự và đối tượng thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 để thực hiện việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, miễn chấp hành hình phạt, xóa án tích cho người bị kết án:

a) Cơ quan thực hiện:

– Bộ Công an:

+ Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân tiến hành rà soát các vụ án hình sự cơ quan, đơn vị mình đang thụ lý để xem xét khởi tố, điều tra mà bị can thuộc diện không bị xử lý hình sự theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 và đình chỉ điều tra đối với bị can đó;

+ Chỉ đạo, hướng dẫn các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân phối hợp với Tòa án có thẩm quyền rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện được chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 mà cơ quan, đơn vị mình đang quản lý để lập hồ sơ trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân; tiến hành rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 mà cơ quan, đơn vị mình đang quản lý và làm thủ tục, đề nghị Tòa án có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt cho họ, đồng thời, gửi danh sách các đối tượng được đề nghị miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia để cập nhật thông tin xóa án tích đương nhiên vào Lý lịch tư pháp của người bị kết án đó.

b) Thời gian thực hiện: Từ ngày Luật số 12/2017/QH14 được công bố (ngày 03 tháng 7 năm 2017) đến hết quý IV năm 2017.

2. Biên soạn tài liệu phục vụ việc quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, tập huấn:

a) Biên soạn tài liệu quán triệt chung, phổ biến, giới thiệu Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14; tài liệu tập huấn chuyên sâu chung về Bộ luật Hình sự năm 2015, bảo đảm sự đầy đủ, thống nhất về nội dung của tài liệu tập huấn chuyên sâu.

b) Trên cơ sở tài liệu tập huấn chuyên sâu chung, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan có thể biên soạn tài liệu tập huấn chuyên sâu riêng cho từng nhóm đối tượng cụ thể.

– Thời gian thực hiện: Trong tháng 10, tháng 11 năm 2017.

3. Tổ chức quán triệt, tập huấn báo cáo viên, phổ biến, tuyên truyền Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14.

a) Tổ chức quán triệt việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015

b) Tổ chức tập huấn báo cáo viên về Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14.

– Tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn cho báo cáo viên pháp luật trung ương và cấp tỉnh, đại diện của Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành liên quan, đại diện của Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư.

– Tổ chức tập huấn cho báo cáo viên pháp luật cấp huyện; tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; cán bộ, công chức tư pháp; người làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật; người làm công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương.

c) Tổ chức phổ biến, tuyên truyền Bộ luật Hình sự năm 2015.

– Tổ chức phổ biến, tuyên truyền Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 tại các bộ, ngành, địa phương với nội dung và hình thức phù hợp vơi từng đối tượng cụ thể để bảo đảm công tác tuyên truyền phải đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về Bộ luật, nhất là những nội dung mới để nghiêm chỉnh chấp hành.

– Tổ chức phổ biến, tuyên truyền Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Tổ chức tập huấn chuyên sâu về Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14.

a) Cơ quan thực hiện:

– Bộ Công an tổ chức tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó chú trọng cán bộ làm công tác điều tra, thi hành án hình sự trong Công an nhân dân;

5. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Bộ luật Hình sự năm 2015, đặc biệt là các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thi hành hiệu quả Bộ luật.

a) Cơ quan thực hiện:

– Bộ Công an rà soát Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá và các văn bản thi hành Luật; các văn bản quy phạm pháp luật khác trong lĩnh vực quản lý của mình có nội dung liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 để tự mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với Bộ luật;

6. Xây dựng các văn bản của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật Hình sự được giao tại Nghị quyết số 41/2017/QH14:

a) Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Mục 2 Chương XII của Bộ luật Hình sự năm 2015.

– Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.

– Cơ quan phối hợp: Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.

– Xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn, thời gian trình, ban hành: Trong quý IV năm 2017.

b) Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015.

– Cơ quan chủ trì: Bộ Công an.

– Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.

– Xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn, thời gian trình, ban hành: Trong quý IV năm 2017.

7. Rà soát hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đào tạo nghề tư pháp, đào tạo các chức danh tư pháp và chương trình, sách giáo khoa môn Giáo dục công dân cấp trung học phổ thông có nội dung liên quan đến Bộ luật Hình sự năm 2015 để sửa đổi, bổ sung hoặc biên soạn lại cho phù hợp với quy định mới của Bộ luật.

 

Tiêu Dao