Thực trạng về tổ chức, hoạt động thanh tra hành chính của Công an tỉnh Quảng Bình và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra hành chính

935
Đánh giá bài viết

Hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra hành chính nói riêng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý của Thủ trưởng Công an các cấp; tăng cường pháp chế; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong việc thực hiện quy trình công tác; giúp Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật và của Bộ Công an. Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng đó, trong thời gian qua, công tác thanh tra hành chính được Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trên tất cả các mặt, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra.

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ thanh tra hành chính của Công an Quảng Bình đã được quan tâm, tạo điều kiện tăng cường về số lượng và chất lượng. Tại Thanh tra Công an tỉnh lực lượng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành được biên chế chung một đội (Đội thanh tra hành chính và chuyên ngành); Đội được biên chế 03 cán bộ (02 Thanh tra viên, 01 cán bộ thanh tra) và do một đồng chí Phó chánh thanh tra phụ trách. Tất cả cán bộ thanh tra đều có trình độ đại học, được đào tạo cơ bản, phần lớn đã qua đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, có trình độ lý luận chính trị; có năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm thực tiễn, chủ động tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh tiến hành nhiều cuộc thanh tra hành chính trên các lĩnh vực. Các cuộc thanh tra đảm bảo đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Công an và yêu cầu quản lý của Lãnh đạo Công an tỉnh.

Trong 06 năm thi hành Luật thanh tra năm 2010 (Từ năm 2011 đến năm 2017), Công an tỉnh Quảng Bình đã triển khai 09 cuộc thanh tra hành chính, trong đó bao gồm các cuộc thanh tra diện rộng theo chỉ đạo của Bộ Công an và các cuộc thanh tra do Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm như công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự; việc quản lý, sử dụng kinh phí được trích lại từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ… Qua thanh tra phát hiện nhiều tồn tại, thiếu sót trên các lĩnh vực, đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chấn chỉnh, khắc phục 43 vấn đề, kiến nghị Bộ Công an 15 nội dung. Công tác thanh tra hành chính đã giúp Công an các đơn vị, địa phương và cán bộ, chiến sĩ thực hiện đúng hành lang pháp lý, đúng quy định của Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Các kết luận, kiến nghị thanh tra được đối tượng thanh tra chấp hành nghiêm túc, ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành quy trình công tác của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên, góp phần xây dựng lực lượng Công an Quảng Bình ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Nhìn chung, công tác thanh tra hành chính của Công an tỉnh Quảng Bình đã có chuyển biến tích cực, cán bộ thanh tra hành chính đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tính dân chủ, công khai, minh bạch đã được thực hiện nghiêm túc theo quy định, nhất là từ khi Bộ Công an ban hành Thông tư số 02/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 Quy định quy trình tiến hành một cuộc thanh tra hành chính trong Công an nhân dân, hoạt động thanh tra hành chính từng bước đi vào nề nếp, chất lượng các cuộc thanh tra ngày càng được nâng lên và có ảnh hưởng tốt đến hoạt động của đối tượng thanh tra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác thanh tra hành chính của Công an tỉnh Quảng Bình còn có một số tồn tại, hạn chế, bất cập: Trình độ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn của một số ít cán bộ thanh tra, thanh tra viên còn có những hạn chế nhất định; chưa tương xứng với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Chất lượng, hiệu quả một số cuộc thanh tra hành chính còn thấp; việc xác định trách nhiệm để xảy ra tồn tại, thiếu sót chưa cụ thể; kiến nghị một số nội dung trong kết luận thanh tra còn mang tính chung chung; công tác đôn đốc, kiểm tra sau thanh tra hiệu quả chưa cao. Lực lượng làm công tác thanh tra hành chính còn thiếu; Công an các huyện, thành phố, thị xã chưa có cán bộ thanh tra chuyên trách mà đang còn kiêm nhiệm và thường xuyên luân chuyển, điều động sang làm công tác khác, do đó khó khăn trong tổ chức và hoạt động; Công an cấp huyện chưa triển khai được cuộc thanh tra hành chính nào.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do: Thủ trưởng Công an một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác thanh tra; chưa coi đây là một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên trong công tác quản lý của đơn vị. Sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong công tác theo dõi, đôn đốc sau thanh tra còn hạn chế. Công tác tổ chức cán bộ tuy đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; biên chế cán bộ làm công tác thanh tra hành chính còn ít.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra hành chính:

Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh đối với công tác thanh tra hành chính, trong đó quan tâm bổ sung biên chế cho lực lượng thanh tra hành chính; trang bị cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc cho đơn vị thanh tra. Tăng cường thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện quy định của pháp luật, của Bộ Công an.

Thứ hai, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra có tâm, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, bản lĩnh nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra hành chính trong toàn bộ quy trình của cuộc thanh tra, từ giai đoạn chuẩn bị thanh tra, quá trình thanh tra và báo cáo, kết luận cuộc thanh tra. Đảm bảo tiến hành đúng trình tự, thủ tục từ công tác chuẩn bị đến kết thúc thanh tra. Tăng cường công tác giám sát hoạt động của đoàn thanh tra.

Thứ , nâng cao hiệu quả hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, trong đó cần thực hiện tốt một số nội dung như: Tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao chất lượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Tăng cường giáo dục pháp luật về thanh tra nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cho các đối tượng thanh tra trong việc chấp hành nghiêm túc các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Đẩy mạnh phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Đại úy Nguyễn Mạnh Trường    

Đội trưởng, Thanh tra Công an tỉnh