Tiềm hiểu nội dung Điều 182 BLHS năm 2015 về “ Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng”

3735
Đánh giá bài viết

Hôn nhân một vợ một chồng là đặc trưng của chế độ hôn nhân trong một xã hội văn minh, hiện đại, là một nội dung nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình.

Ảnh minh họa.

– Khách thể của tội phạm: Tội phạm này xâm phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng – điều kiện đảm bảo cho cuộc sống vợ chồng được trọn vẹn, hạnh phúc, cơ sở cho việc xây dựng quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, vợ chồng bình đẳng.

– Mặt khách quan của tội phạm:

Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi của người đang có vợ, có chồng hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ. Vấn đề pháp lý mấu chốt là cách giải thích như thế nào là chung sống như vợ chồng.

Hiện có rất nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm này, có quan điểm xác định như thế nào là chung sống như vợ chồng dựa trên tính chất công khai, ngang nhiên của mối quan hệ; có quan điểm nhận thức chung sống như vợ chồng là có con chung; hoặc qua điểm khác lại cho rằng chung sống như vợ chồng là: cùng chung sống, có tài sản chung, có con chung. Một quan điểm được chấp nhận tương đối rộng rãi hiện nay mà theo chúng tôi đã khái quát được bản chất mối quan hệ này khi cho rằng chung sống như vợ chồng là quan hệ cùng chung sống giữa người nam và người nữ như các cặp vợ chồng bình thường, điểm khác biệt duy nhất là quan hệ giữa họ mang tính bất hợp pháp, không có đăng ký kết hôn. Theo cách giải thích tại Thông tư liên tịch số 01/2001/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của BLHS năm 1999 thì chung sống như vợ chồng là: “việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”.

Tuy nhiên, hành vi chung sống như vợ chồng sẽ chỉ cấu thành tội phạm khi thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất là làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn.

Trường hợp thứ hai là người vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Việc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thể hiện thái độ ngang nhiên chống đối, coi thường pháp luật, tính chất nguy hiểm cho xã hội cao hơn so với các trường hợp thông thường khác.

– Chủ thể của tội phạm: là người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi theo luật định.

– Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

– Hình phạt:

Ngoài khung hình phạt cơ bản với hình phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm, khung hình phạt tăng nặng với mức phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm được áp dụng đối với các trường hợp:

+ Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

+ Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó. Người phạm tội sẽ bị truy cứu về tội phạm này theo khoản 2 Điều 182 BLHS năm 2015 mà không phải là tội Không chấp hành án theo Điều 380 BLHS năm 2015.

Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Tiêu Dao