Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn

298
Đánh giá bài viết
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 224/QĐ-TTg về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng Kế hoạch phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn của tỉnh Quảng Bình và nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung như kế hoạch đề ra.
 
 
Ảnh minh họa.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn, tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; quyền của trẻ em không bị ép buộc hoặc khuyến khích sử dụng đồ uống có cồn; vận động người dân không lạm dụng đồ uống có cồn; không ép buộc người khác sử dụng đồ uống có cồn; người điều khiển các phương tiện giao thông không được có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở vượt quá mức quy định.

Cùng với đó, các cơ quan thông tin truyền thông tập trung tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó có phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; cấp phát các loại tờ rơi, áp phích có thông điệp phòng chống ngộ độc rượu cho từng cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu bia và người tiêu dùng. Các huyện, thị xã, thành phố cũng tăng cường phát động cộng đồng không lạm dụng đồ uống có cồn trong dịp lễ, hội, đám tiệc; gia đình và khu dân cư không có người nghiện đồ uống có cồn; không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng đồ uống có cồn.

Đặc biệt, hằng năm, vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên Đán và mùa Lễ hội Xuân, tỉnh cũng chỉ đạo các ban ngành tập trung công tác tuyên truyền, lồng ghép tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu như không sử dụng cồn công nghiệp trong sản xuất rượu; lạm dụng rượu, bia, uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính; uống rượu không có nguồn gốc, không công bố chất lượng ATTP; đặc biệt trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

Ngoài ra, ngành Y tế chủ trì, phối hợp với ngành Công thương, Nông nghiêp, Công an… tiến hành thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống vào các dịp cao điểm trong năm như Tết Nguyên Đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu, trong đó chú trọng kiểm tra chất lượng ATTP đối với rượu, bia, đồ uống có cồn khác được sản xuất trong nước, nhập khẩu như kiểm tra về giấy phép kinh doanh rượu, nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, ghi nhãn rượu, bia và đồ uống có cồn khác… Giai đoạn từ năm 2014 – 2016, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 14.740 lượt cơ sở kinh doanh thực phẩm, phát hiện có 3.736 lượt cơ sở không đạt yêu cầu về an ATTP, chiếm tỷ lệ 25,3%; kiểm tra 08/08 lượt cơ sở sản xuất rượu, bia và đạt yêu cầu.

Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 cơ sở sản xuất rượu, 01 cơ sở sản xuất bia tươi đã được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, hằng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành kiểm tra, giám sát định kỳ sau công bố về chất lượng đối với các sản phẩm rượu, bia theo quy định của pháp luật; tổ chức 02 lớp tập huấn cho 34 người sản xuất rượu; 22 lớp/470 đối tượng kinh doanh rượu và đồ uống có cồn; 53 lớp/1.673 đối tượng kinh doanh dịch vụ ăn uống; 05 lớp/310 người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Qua các lớp tập huấn đã lồng ghép thông tin, truyên truyền về tác hại của bia, rượu và đồ uống có cồn khác.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức lấy 08 mẫu rượu, bia để giám sát kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm và 08/08 mẫu đạt yêu cầu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do rượu, bia và đồ uống có cồn khác gây ra.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đơn vị và địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn, kiểm soát nhu cầu sử dụng; phổ biến, triển khai văn bản pháp luật, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe về tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; chuẩn bị điều kiện cần thiết để triển khai dịch vụ phát hiện sàng lọc, điều trị can thiệp, phòng, chống tái nghiện và chăm sóc liên tục cho người lạm dụng đồ uống có cồn tại cộng đồng.

Cùng với việc tập huấn cho cơ sở sản xuất kinh doanh rượu, bia, người tiêu dùng về công tác đảm bảo ATTP, trong đó có phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung và rượu, bia và đồ uống có cồn khác, không để sản phẩm rượu, bia và đồ uống có cồn khác không đảm chất lượng lưu thông trên thị trường; chủ động triển khai giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa không để xảy ra ngộ độc thực phẩm do rượu; chú trọng kiểm tra về chất lượng ATTP, ghi nhãn đối với rượu, bia, đồ uống có cồn khác.

Song song với đó, Sở Văn hóa – Thể thao tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo đồ uống có cồn thuộc thẩm quyền phụ trách, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định cấm bán rượu trong cơ sở vui chơi giải trí, nơi biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao; hướng dẫn địa phương, cộng đồng dân cư cam kết không lạm dụng đồ uống có cồn trong đám tiệc, lễ hội; phối hợp đơn vị liên quan chỉ đạo lồng ghép phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với hoạt động phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. Sở Giáo dục – Đào tạo cũng chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan nghiên cứu lồng ghép nội dung giáo dục về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn vào môn học chính khóa và hoạt động ngoại khóa, phù hợp với từng cấp học; kiểm tra việc thực thi quy định pháp luật về cấm bán đồ uống có cồn trong trường học cũng như khu vực xung quanh trường học. Công an tỉnh sẽ phối hợp các sở, ngành trong thực thi quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; đồng thời kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, đấu tranh, xử lý đối tượng buôn lậu, sản xuất rượu, bia giả, kém chất lượng, không đảm bảo ATTP.

Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương, tăng cường giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn, đặc biệt là hành vi sử dụng đồ uống có cồn trong thanh thiếu niên, đẩy mạnh quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công tại địa phương…

(Quang Binh Portal)