Tiếp tục thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số; Xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến huyện

116
Đánh giá bài viết

Ngày 08/7/2019, Văn phòng UBND tỉnh đã có Công văn số 2452/VPUBND-KSTT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số. Ngày 11/7/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2326/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến (HNTT) tỉnh Quảng Bình.

 

Ảnh minh họa.

 

 

– Để tiếp tục triển khai các bước tiếp theo tại Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND tỉnh về việc tăng cường trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH) của tỉnh, ngày 08/7/2019, Văn phòng UBND tỉnh đã có Công văn số 2452/VPUBND-KSTT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo UBND tỉnh về khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện kỹ thuật khác cho Hệ thống QLVB&ĐH theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 05/CT-UBND; chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu UBND tỉnh giải pháp cụ thể để tối ưu hóa hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng kết hợp giữa nâng cấp hệ thống Trung tâm Dữ liệu điện tử của tỉnh với mô hình phân tán dựa trên công nghệ điện toán đám mây và thực hiện thuê dịch vụ hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trên Hệ thống QLVB&ĐH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện tổ chức triển khai việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên Hệ thống QLVB&ĐH tại các đơn vị trực thuộc (có con dấu) và UBND cấp xã theo đúng tiến độ; đồng thời phối hợp, hỗ trợ các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh khác có nhu cầu cài đặt, sử dụng Hệ thống QLVB&ĐH của tỉnh để gửi, nhận văn bản điện tử có ký số với UBND tỉnh và các cơ quan hành chính Nhà nước trong tỉnh; thường xuyên cập nhật, thông báo danh sách các cơ quan, đơn vị đã hoàn thành việc cài đặt, chạy thử Hệ thống QLVB&ĐH báo cáo UBND tỉnh, gửi các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện để biết và thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số.

Mặt khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện đã triển khai áp dụng Hệ thống QLVB&ĐH của tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện việc ký số đối với tất cả văn bản điện tử được gửi, nhận trên Hệ thống QLVB&ĐH giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện với UBND tỉnh; mở rộng danh mục thí điểm không gửi văn bản giấy đối với văn bản điện tử đã ký số (trừ văn bản mật, văn bản theo chỉ đạo của UBND tỉnh không gửi trên Hệ thống hoặc không đính kèm file) kể từ ngày 15/7/2019; tổ chức triển khai cài đặt, chạy thử việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên Hệ thống QLVB&ĐH tại đơn vị trực thuộc (có con dấu) và UBND cấp xã theo đúng tiến độ. Đối với sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện đã hoàn thành việc cài đặt, chạy thử Hệ thống QLVB&ĐH tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp xã thì lập Danh sách cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số, báo cáo UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, đồng thời tổ chức thực hiện ngay việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số, không gửi văn bản giấy đối với các văn bản điện tử đã ký số.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh và các tổ chức thành viên, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh bố trí cài đặt Hệ thống QLVB&ĐH của tỉnh ít nhất tại máy tính của bộ phận văn thư cơ quan để sử dụng gửi, nhận văn bản điện tử có ký số với UBND tỉnh và các cơ quan hành chính Nhà nước trong tỉnh.

– Theo Đề án Xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến (HNTT), Tỉnh sẽ thiết lập 01 cầu trực tuyến từ tỉnh đến cấp huyện bao gồm 01 Server, 01 license, 09 bộ Video Conference System (VCS) và thiết bị Tivi; 08 cầu trực tuyến từ cấp huyện đến cấp xã: Bổ sung 02 Server chuyên dụng tại hệ thống HNTT tỉnh, 08 license cho từng huyện (VCS đã được trang bị HNTT của tỉnh); trang bị máy vi tính, camera cho tuyến xã; đồng thời nâng cấp, sửa chữa phòng họp của tỉnh, 08 phòng họp của huyện, 159 phòng họp của xã; thiết lập hệ thống đường truyền từ nhà mạng đến phòng họp của tỉnh, cấp huyện, xã.

Với tổng kinh phí thực hiện hơn 21,9 tỷ đồng, Đề án sẽ triển khai từng bước trên cơ sở chia ra nhiều hạng mục nhiệm vụ, dự án, giai đoạn nhưng đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả năng kết nối liên thông trong toàn tỉnh. Việc phân kỳ hạng mục nhiệm vụ, dự án đầu tư nhằm tạo sự chủ động cho các địa phương có điều kiện triển khai… Đề án thực hiện trong giai đoạn từ năm 2019 – 2025.

Mục tiêu xây dựng hệ thống HNTT nhằm phục vụ cuộc họp trực tuyến của tỉnh với đơn vị cấp huyện, của huyện với đơn vị cấp xã và cuộc họp của tỉnh với cấp huyện, xã cũng như nâng cao năng lực, hiệu quả trong việc chỉ đạo, điều hành giữa các cấp chính quyền trong tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước cải cách thủ tục và giảm thiểu thời gian lãng phí trong hoạt động hành chính. Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống HNTT cũng sẽ tổ chức kênh thông tin giúp các cơ quan trong hệ thống chính quyền chủ động thực hiện công tác chỉ đạo điều hành nhanh chóng và hiệu quả; tiết kiệm thời gian, chi phí bố trí phương tiện đi lại và lưu trú.

 

Theo CTTĐT tỉnh Quảng Bình