Tìm hiểu điểm mới Điều 117 BLHS năm 2015 so với Điều 88 BLHS năm 1999

16883
3/5

Sửa tên điều luật từ “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thành “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm  nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Nội dung điều luật được sửa theo hướng quy định cụ thể hơn và mở rộng hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này là tuyên truyền, làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, theo Điều 117 BLHS năm 2015, hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

 

Ảnh minh họa.

 

Việc sửa đổi, bổ sung nêu trên để đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch của điều luật và quy định đầy đủ loại hành vi phạm tội xảy ra trên thực tế, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm.

Khách thể của tội phạm: Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam thông qua việc gây nghi ngờ, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, xâm phạm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, khách thể của tội phạm này là sự tồn tại, vững mạnh của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở một trong các hành vi sau:

– Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; cụ thể là:

+ Người phạm tội có hành vi làm ra, tạo ra, xác lập thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân như viết, vẽ, dựng lên, sao chép, ghi âm, ghi hình, in ấn, chế tạo, sản xuất ra…thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo ra hình ảnh méo mó, phản cảm, sai lệch về việc làm, hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội nhằm gieo rắc những tư tưởng nghi ngờ, bất mãn đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, kích động tư tưởng, hành động chống đối, oán ghét, căm thù chính quyền hoặc có lời nói, việc làm xúc phạm chính quyền nhân dân.

+ Người phạm tội có hành vi tàng trữ (cất giấu trong người, trong hành lý, trong phương tiện giao thông, lưu trữ trong máy tính, tại nơi ở, nơi làm việc…) thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.

+ Người phạm tội có hành vi phát tán (rải tờ rơi, đưa truyền trên mạng Internet, mạng viễn thông…) thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.

+ Người phạm tội có hành vi tuyên truyền (có lời nói, cho xem, cho đọc, cho nghe…) nhằm truyền bá, chuyển tải đến cho người khác thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.

– Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân. Đó là những thông tin, tài liệu, vật phẩm không có thật trong thực tế nhưng được người phạm tội làm giả, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền hoặc có trong thực tế nhưng làm sai lệch về nội dung, bản chất của thông tin, tài liệu, vật phẩm gây hoang mang trong nhân dân, bức xúc trong nhân dân với mục đích chống chính quyền nhân dân.

– Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý. Đó là những hành vi làm ra, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có tác dụng tác động đến tư tưởng, tâm lý gây ra sự bất mãn, tức giận, căm ghét chế độ chính trị, chính quyền nhân dân.

Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc các hành vi nêu trên; hành vi phạm tội có thể được thực hiện bí mật hoặc công khai hoặc có thể là hành vi có tính chất lập lờ hai mặt.

Tội phạm này có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong những hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm.

Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực TNHS và đã thực hiện hành vi phạm tội.

Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích của người phạm tội là chống chính quyền nhân dân. Trường hợp người thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm này nhưng không có mục đích chống chính quyền nhân dân thì không cấu thành tội phạm này mà tùy từng trường hợp cụ thể, người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu TNHS về một hoặc các tội phạm tương ứng khác.

Điều 117 BLHS năm 2015 quy định 3 khung hình phạt chính:

– Khung 1: Quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 12 năm, áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.

– Khung 2: Quy định hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

– Khung 3: Quy định người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt từ 01 năm đến 05 năm tù.

Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung quy định tại Điều 122 BLHS năm 2015, đó là tước một số quyền công dân từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc,phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 

 

Tiêu Dao