Tìm hiểu Điểu 109:Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân BLHS năm 2015

16968
Đánh giá bài viết

So với Điều 79 BLHS năm 1999, ngoài bổ sung khoản 3 quy định TNHS đối với hành vi chuẩn bị phạm tội (từ 01 năm đến 05 năm tù) và giảm mức hình phạt tối đa tại khoản 1 từ 15 năm tù thành 12 năm tù, các nội dung khác của Điều 109 BLHS năm 2015 được giữ nguyên, không thay đổi. Tuy nhiên, cần lưu ý: theo quy định của Điều 109 này thì hành vi hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm. 

 

Ảnh minh họa.

 

Chủ thể của hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực TNHS và đã thực hiện hành vi phạm tội.

Khách thể của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là sự tồn tại, vững mạnh của chính quyền nhân dân.

Đối tượng tác động của tội phạm này là chính quyền nhân dân các cấp từ trung ương đến địa phương. Tùy theo tính chất, quy mô của tội phạm, những người phạm tội có thể hoạt động nhằm lật đổ chính quyền ở một cấp, một địa phương nào đó, song mục tiêu cuối cùng của chúng là lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi chế độ chính trị, kinh tế – xã hội.

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyển nhân dân là một trong các hành vi sau đây:

– Hoạt động thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Hành vi thực hiện hoạt động này gồm nhiều dạng khác nhau và có thể do nhiều loại người thực hiện, trong đó có thể là hành vi của người tổ chức, người thực hành, người giúp sức, người xúi giục. Hoạt động thành lập có thể là những hành vi để tiến tới thành lập, chuẩn bị cho việc thành lập hoặc là hành vi thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Hoạt động thành lập tổ chức có thể được thực hiện dưới các hình thức như sau:

+ Khởi xướng và thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân;

+ Không khởi xướng việc thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân nhưng trực tiếp đứng ra thành lập tổ chức, tuyên truyền, lôi kéo người tham gia tổ chức…,

+ Bàn bạc, thảo luận về việc thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, phân công nhiệm vụ, tiến hành những hoạt động cần thiết để thành lập tổ chức;

+ Soạn thảo cương lĩnh, điều lệ hoặc vạch ra phương hướng, kế hoạch hoạt động cụ thể của tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

+ Ủng hộ vật chất, tinh thần cho việc thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

– Tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là hành vi của người gia nhập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân khi tổ chức đã được thành lập. Thể hiện cụ thể của hành vi tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân rất đa dạng, phong phú như nhận lời tham gia dưới hình thức thỏa thuận miệng; nhận lời tham gia bằng văn bản như viết đơn, cam đoan xin gia nhập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân…

+ Nếu do bị lừa dối, không nhận thức được tính chất và mục đích của tổ chức là lật đổ chính quyền nhân dân thì không bị coi là phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Tội phạm này có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện hành vi để thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, không phụ thuộc vào việc tổ chức đã hình thành hay chưa hoặc từ khi nhận lời, đăng ký…tham gia vào tổ chức, không kể đã có hoạt động cụ thể gì hay chưa.

Chú ý: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân khác tội phản bội Tổ quốc ở chỗ: Tội phản bội Tổ quốc có dấu hiệu câu kết với nước ngoài, còn tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân không có dấu hiệu câu kết với nước ngoài. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân cho thấy, người phạm tội có xu hướng móc nối với nước ngoài nhằm nhận sự giúp đỡ về vật chất, phi vật chất của nước ngoài để thực hiện mục đích lật đổ chính quyền nhân dân. Cần phân biệt hai trường hợp: Nếu người phạm tội chưa liên hệ hoặc đã liên hệ được với nước ngoài nhưng chưa nhận được sự thỏa thuận giúp đỡ, tài trợ nào đã bị phát hiện, thì truy cứu TNHS về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Nếu đã liên hệ, bàn bạc với nước ngoài, nhận sự giúp đỡ của nước ngoài nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị truy cứu TNHS về tội phản bội Tổ quốc.

Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả xảy ra nhưng vẫn thực hiện những hành vi phạm tội đó.

Mục đích của người phạm tội là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi thành lập hay tham gia tổ chức nhưng người thực hiện hành vi không có mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì không cấu thành tội phạm này.

Hình phạt quy định đối với tội phạm này rất nghiêm khắc. Điều 109 quy định 3 khung hình phạt chính căn cứ vào vai trò của người phạm tội và giai đoạn thực hiện tội phạm:

 Quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, áp dụng đối với người phạm tội là người tổ chức, người xúi giục, hoặc người đắc lực hoặc gây hậu quả nghiệm trọng.

– Quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 12 năm áp dụng đối với người phạm tội là người đồng phạm khác.

Quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội này.

Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung quy định tại Điều 122 BLHS năm 2015, đó là tước một số quyền công dân từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:

1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;

2. Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 

Thanh Đạt