Tìm hiểu Điều 296 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi”

1074
Đánh giá bài viết

Tội phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi là hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi làm những công việc mà pháp luật cấm, pháp luật không hoặc không đảm bảo thời gian, điều kiện lao động theo quy định của Nhà nước, do người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực TNHS thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm vào an toàn công cộng, gây nên những thiệt hại hoặc đe dọa gây nên những thiệt hại cho xã hội mà theo quy định của pháp luật phải bị truy cứu TNHS.

 

Ảnh minh họa.

 

Tội phạm này xâm phạm an toàn công cộng nhằm đảm bảo sự phát triển bình thườngcho người dưới 16 tuổi.

Người dưới 16 tuổi là những người chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần. Nhà nước ta quy định rất cụ thể, những loại công việc không được sử dụng những người ở lứa tuổi này làm và những việc lứa tuổi được làm nhưng phải đáp ứng những quy định riêng nhằm đảm bảo sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của họ.

Đối tượng tác động của tội phạm này là người dưới 16 tuổi.

Tội phạm được thực hiện bởi những người từ đủ 16 tuổi trở lên, có đủ năng lực TNHS và là người sử dụng lao động. Thông thường tội phạm được thực hiện bởi người sử dụng lao động trong các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, nhà máy…Luật hình sự quy định người dưới 16 tuổi không phải chịu TNHS về tội phạm này.

Tội phạm thể hiện ở hành vi buộc người dưới 16 tuổi lao động trái quy định của Hiến pháp, Luật trẻ em, Công ước quyền trẻ em, pháp luật về lao động. Người sử dụng lao động đã sử dụng lao động trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định như:

– Sử dụng người dưới 16 tuổi làm những công việc không thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

– Sử dụng người dưới 16 tuổi làm những công việc bị cấm gồm: sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây nghiện khác; Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên; Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc; Phá dỡ các công trình xây dựng; Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại; Lặn biển, đánh bắt cá xa bờ; Công việc khác gây tổn hại cho sức khỏe, an toàn hoặc đạo đức của người chưa thành niên.

– Sử dụng người dưới 16 tuổi làm việc dưới nước, dưới long đất, trong hang động, trong đường hầm; Công trường xây dựng; Cơ sở giết mổ gia súc; Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, phòng tắm hơi, phòng xoa bóp; Nơi làm việc khác gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn và đạo đức của người chưa thành niên.

– Sử dụng người dưới 16 tuổi làm việc không đúng thời gian và điều kiện lao động theo quy định của pháp luật.

Hành vi sử dụng lao động dưới 16 tuổi sẽ bị truy cứu TNHS khi:

– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

 Xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này được quy định tại Điều 19 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thời gian được coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này là 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm. Đối với trường hợp này, hành vi sử dụng người lao động dưới 16 tuổi chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc đã gây ra thương tích hay tổn hại sức khỏe cho một hay nhiều người nhưng tổng tỉ lệ thương tật chưa đến 31%.

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% trở lên;

– Làm chết người.

Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ đối tượng chưa đủ 16 tuổi mà vẫn bắt làm công việc nặng nhọc…hoặc khi chủ thể mặc dù đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích mà vẫn tiếp tục vi phạm. Trong trường hợp này người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi.

Các trường hợp gây ra các thiệt hại cụ thể thì người phạm tội có lỗi cố ý với hậu quả xảy ra.

Điều 296 quy định 3 khung hình phạt:

– Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trong các trường hợp:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

– Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm trong các trường hợp:

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

– Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm trong các trường hợp:

+ Làm chết 02 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

Ngoài những hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Điều 296. Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi

1. Người nào sử dụng ngườilao độngdưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Làm chết người;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Thanh Đạt