Tìm hiểu một số vấn đề về phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh

3192
Đánh giá bài viết

Phong cách là cái riêng, cái độc đáo, có tính hệ thống, trở thành nền nếp ổn định của một người hoặc một lớp người, được thể hiện trong các mặt của cuộc sống. Như vậy, phong cách không phải là tính bẩm sinh, mà được hình thành qua sự phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi và định hình trong quá trình sống của con người. Nó luôn chịu sự tác động, chi phối của hoàn cảnh, điều kiện sống, truyền thống văn hóa, lối sống, thói quen, thậm chí là của tập quán,… Sự tác động này, không quyết định chi phối làm nên phong cách của con người, mặc dù con người chịu sự tác động của hoàn cảnh, điều kiện sống, từ đó hình thành, định hình được phong cách, như: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nhưng, con người cũng có thể định hình được một phong cách khác hẳn sự tác động của hoàn cảnh, như: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Từ đó, chúng ta thấy, phong cách Hồ Chí Minh là những nét riêng của Người trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, vô cùng cao thượng của một người Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất và được rèn dũa qua nhiều năm tháng gian khổ, hy sinh để dấn thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giai cấp, giải phóng con người.

Bác Hồ đến thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân Hà Nội nhân dịp Tết Quý Mão (1963)

 

Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho chúng ta. Phong cách của Người không chỉ là bài học, là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ cách mạng mà còn bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Trong đó, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ tính độc đáo: Gọn, rõ, hấp dẫn, đại chúng, nói đi đôi với làm.

 Trong cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh luôn chú trọng phong cách diễn đạt, coi đó là công cụ đắc lực không thể thiếu để tuyên truyền, giác ngộ ý thức cách mạng, củng cố niềm tin và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đối với Hồ Chí Minh, nói và viết không phải đơn thuần chỉ là một hành động thông tin mà còn chủ yếu là một quá trình tác động lên người nghe, người đọc, nhằm thuyết phục, cảm hóa, nâng cao nhận thức, thay đổi quan niệm và hành vi, hướng mọi người vào các hoạt động thực tiễn cách mạng, phù hợp xu hướng tiến bộ của xã hội, của thời đại. Chúng ta đều biết, Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ thiên tài, mà còn là người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam, Người đã viết hàng ngàn bài báo, bằng nhiều thứ tiếng Việt, Pháp, Nga, Trung…, với nhiều bút danh khác nhau. Người đã có hơn 10 năm lao động, hoạt động, học tập ở nước ngoài nên Người rất am hiểu văn hóa và phong cách diễn đạt của ngôn ngữ phương Tây, nhưng khi nói và viết trước đồng bào trong nước thì cách diễn đạt của Người lại rất Việt Nam.

Đặc trưng nổi bật trong phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh là tính phù hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ, cách diễn đạt trong các bài nói, bài viết của Người rất mộc mạc, ngắn gọn trong sáng, giản dị và khúc triết dễ hiểu phù hợp với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng người đọc, người nghe. Nhờ đó, những bài nói, bài viết của Người luôn được mọi người cảm thụ sâu sắc và có sức thuyết phục mạnh mẽ. Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn căn dặn chúng ta, bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nói/viết để làm gì? Và nói,viết cái gì? Nghĩa là, nói cách khác, phải tùy theo đối tượng cụ thể để xác định mục đích, cách diễn đạt nào là phù hợp và nội dung nào là thiết thực.

Phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh là những nét đặc trưng nổi bật trong trình bày, truyền đạt tư tưởng của Người. Trước khi thực hiện một bài nói hoặc bài viết nào đó, Người luôn xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích, từ đó tìm cách nói, cách viết cho đúng chủ đề, cho phù hợp với đối tượng nhằm đạt được mục đích đề ra. Điểm nổi bật nhất trong phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh chính là tính chân thực, ngắn gọn, trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Những thông tin trong bài nói, viết của Người luôn có tính xác thực cao, có nhiều số liệu thực tế. Người luôn chọn lọc từ ngữ trong quá trình sử dụng để làm sao cho “lời ít nhưng ý nhiều”, đặc biệt là ưu tiên lựa chọn và sử dụng từ thuần Việt để không ngừng làm trong sáng tiếng nói của dân tộc. Trong nhiều bài nói và bài viết trước đồng bào, đồng chí, Người thường trình bày đi thẳng vào vấn đề bằng phương pháp phát vấn (đặt câu hỏi) như: “Vì sao chúng ta vào Đảng? Phải chăng để thăng quan, phát tài?”. Người trả lời và giải thích ngắn gọn rằng: “Không phải?… Chúng ta vào Đảng là để hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm trọn nhiệm vụ của người đảng viên”. Đây là nhiệm vụ rất to lớn và nặng nề. Vì vậy, Người căn dặn nếu sợ không phục vụ được nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay là khoan hãy vào Đảng. Bởi vì Đảng là tổ chức cách mạng có sứ mệnh cao cả đoàn kết và lãnh đạo nhân dân đấu tranh cho độc lập và chủ nghĩa xã hội, chứ không phải là nơi để tìm kiếm danh vọng, địa vị, thu hái lợi lộc…

Bút pháp và phong cách của Người biến hóa vô cùng sinh động. Khi cụ thể, trực quan: “Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chổ mà dùng được”. Khi hết sức kiệm lời mà mỗi câu từ lại mang sức nặng của một tuyên ngôn: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” hay “Dân cường thì quốc thịnh”. Lúc đanh thép, kiên quyết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Lại có khi hồn hậu, khiêm nhường: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Và cũng không kém phần hài hước, ý nhị. Chẳng hạn khi phê phán thói ham chuộng hình thức, Người nói: “Thí dụ, ngày nay tập quân sự, cốt là biết bắn súng, dùng dao, ném lựu đạn, dùng địa thế, khéo mò đêm, khéo trinh thám, nói tóm lại, cốt tập cho mọi người biết đánh du kích. Thế mà có nhiều nơi chỉ để thì giờ tập một hai, một hai. Thế thì khác gì tập lễ nhạc để đi chữa cháy”.

Trong công việc cũng như quá trình chuẩn bị bài nói, bài viết của mình, Hồ Chí Minh luôn gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể nhằm phát huy sức mạnh của tập thể. Người cho rằng, không ai có thể hiểu được mọi thứ, làm được mọi việc. Lãnh đạo giỏi không phải tự mình nghĩ ra, tự mình làm lấy mà điều quan trọng là phải biết tạo điều kiện cho mọi người được đóng góp sức lực và trí tuệ của mình vào công việc chung, có như vậy mới phát huy hết sức mạnh và trí tuệ của tập thể. Người thường xuyên trao đổi bài viết, bài phát biểu của mình cho nhiều người đọc, lắng nghe ý kiến đóng góp để điều chỉnh bài viết, bài phát biểu sao cho thật phù hợp với đối tượng người đọc, người nghe.

Chúng ta còn nhớ khi viết bài nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng. Hồ Chí Minh nói rõ mục đích, nội dung và nhấn mạnh yêu cầu ngắn, gọn, tập trung vào chủ đề “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Người đã sửa chữa và cho đánh máy thành nhiều bản gửi đến từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị đề nghị tham gia góp ý, rồi Người bổ sung vào bản thảo những ý kiến góp ý. Trong thảo luận lần cuối, có ý kiến đề nghị Người cho sửa đầu đề bài báo, đưa vế “Nâng cao đạo đức cách mạng” lên trước vế “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân” với lý do là cán bộ, đảng viên nói chung là tốt, ưu điểm là cơ bản, Người suy nghĩ và nói: Vì cả hai chú đã đề nghị, là đa số, Bác đồng ý nhượng bộ, đổi lại tên đầu bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Nhưng ở trong bài thì dứt khoát phải để nguyên ý của Bác: “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội (25/11/1961)

Không chỉ cẩn thận trong bài viết, mà ngay trong các bài phát biểu Người cũng chuẩn bị rất kỹ và thường trao đổi với mọi người về những điều mình sẽ nói. Trong lần về thăm quê sau hơn 50 năm xa cách, sáng ngày mai nói chuyện với nhân dân, tối hôm trước Người đã thức khuya chuẩn bị bài phát biểu. Mười giờ tối, Người cầm tờ giấy có nội dung ý kiến phát biểu gặp các đồng chí trong Tỉnh ủy Nghệ An trao đổi, Người nói: Mai Bác gặp đồng bào, Bác nói mấy vấn đề này, các chú xem có được không?…

Tất cả điều đó cho thấy Người rất cẩn thận trong cách nói và viết. Người thường nhắc nhở và khuyên mọi người: “Viết và nói cố nhiên phải vắn tắt. Song trước hết phải có nội dung. Phải chữa cho hết bệnh nói dài, viết rỗng”, “Viết rồi thì phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa, thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. Chổ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại”, “… Chớ ham dùng chữ. Những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng. Những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.7, tr.120).

Những lời khuyên và chỉ bảo của Người cũng như phong cách nói và viết đã vượt qua giới hạn của kỹ năng sử dụng ngôn ngữ đơn thuần, trở thành một nghệ thuật giàu khả năng chinh phục, thấm sâu vào lòng người đọc, người nghe.

Vì vậy, đối với mỗi một cán bộ, đảng viên nói chung và lực lượng Công an nhân dân nói riêng, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Quảng Bình cần phải thường xuyên tìm hiểu, học tập phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh nhằm giúp cho chúng ta nâng cao trình độ diễn đạt, hoàn thiện kỹ năng giao tiếp.

Nghiên cứu về phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng nhận thấy những giá trị thực tiễn to lớn, sinh động đối với lực lượng Công an trong tình hình hiện nay. Đó cũng là kho tàng tri thức, kinh nghiệm thực tiễn và tài sản vô giá để mỗi cán bộ, chiến sỹ học tập, rèn luyện, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước tin tưởng, giao phó và được Nhân dân tin yêu, giúp đỡ, xứng đáng là công bộc tận tụy của nhân dân như Hồ Chí Minh mong muốn.

Thượng tá, TS Hoàng Giang Nam   

Phó Trưởng phòng Công tác Chính trị