Tìm hiểu một số vấn đề về phong cách làm việc tập thể, dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

1575
Đánh giá bài viết

Phong cách Hồ Chí Minh là một hệ thống chỉnh thể, gắn bó chặt chẽ với nhau, phát triển theo lô  gích đi từ suy nghĩ đến nói, viết và biểu hiện qua phong cách làm việc, phong cách ứng xử, tác phong sinh hoạt hàng ngày. Trong quá trình hoạt động cách mạng đã hình thành ở Người phong cách làm việc bao gồm nhiều nội dung, trong đó có phong cách làm việc tập thể, dân chủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn phương án chiến lược chiến dịch
Điện Biên Phủ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Phong cách làm việc tập thể, dân chủ là một đặc trưng trong tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Bác, thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề. Người khẳng định “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều” (Trích sách: Hồ Chí Minh toàn tập – 2002).

Theo Hồ Chí Minh, để thực hành dân chủ thực sự và triệt để mỗi người cần nghiêm túc thực hiện một số nội dung sau:

Người yêu cầu mỗi đảng viên, cán bộ phải gắn mình trong một tập thể, lắng nghe ý kiến và phát huy sức mạnh của tập thể, đồng thời nêu cao trách nhiệm cá nhân và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà tập thể giao cho. Tuyệt đối tuân thủ thực hiện nghiêm túc chế độ, nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách có quan hệ khăng khít với nhau, là hai vế làm thành một chỉnh thể thống nhất trong nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Hồ Chí Minh đã nêu lên một số yêu cầu đối với cách mạng, trong đó có cả những điều liên quan đến nội dung này, đó là người lãnh đạo cần có đức tính “Quyết đoán”, “Dũng cảm”, nhưng phải “Phục tùng đoàn thể”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Tập thể lãnh đạo là để phát huy trí tuệ của nhiều người. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo? Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc một mặt của vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của vấn đề. Vì vậy cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó. Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm”. Người lưu ý rằng “Lãnh đạo mà không tập thể thì sẽ đi đến các tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc”.

Cá nhân phụ trách để nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: Vì sao cần phải cá nhân phụ trách? Việc gì đã được đông đảo người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho một người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy. Nếu không có cá nhân phụ trách, thì sẽ sinh ra các tệ người này ủy cho người kia, người kia ủy cho người nọ, kết quả là không ai thi hành. Như thế thì việc gì cũng không xong.

Chống dựa dẫm tập thể, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, đồng thời chống độc đoán, chuyên quyền, coi thường tập thể. Tập thể lãnh đạo là bảo đảm và phát huy dân chủ trong Đảng cũng như trong các đoàn thể quần chúng. Điều đó hoàn toàn xa lạ với kiểu dựa dẫm tập thể, không dám quyết đoán mà phải trên tinh thần, trách nhiệm cao, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước công việc của cá nhân cán bộ, đảng viên đã được tổ chức đảng và các đoàn thể phân công phụ trách. Đồng thời, cá nhân phụ trách cũng hoàn toàn xa lạ với kiểu độc đoán, độc tài, coi thường tập thể tổ chức đảng; không được lợi dụng, vịn vào cớ cá nhân phụ trách để lấn át tập thể, làm thiệt hại lợi ích của tổ chức đảng… Người còn lưu ý rằng, không phải bất kỳ việc gì, thậm chí những việc nhỏ một người có thể giải quyết được cũng đưa ra tập thể bàn bạc; nếu cứ đưa những việc đó ra bàn bạc thì hiểu nguyên tắc tập thể lãnh đạo rất máy móc, kết quả là họp hành mất thì giờ. Cá nhân phụ trách không phải là sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Tuy nhiên, phong cách dân chủ không có nghĩa là mạnh ai nấy làm mà phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, hay còn gọi là “Dân chủ tập trung”. Đối lập với phong cách dân chủ là phong cách quan liêu. Hồ Chí Minh kịch liệt phê phán những cán bộ quan liêu, những người “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “Quan” chủ, miệng thì nói “Phụng sự quần chúng” nhưng họ làm trái ngược với lợi ích quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”.

 Từ thực hành dân chủ trong Đảng, đến thực hành dân chủ trong nhân dân, trong cơ quan, tổ chức, phong cách dân chủ của Hồ Chí Minh là sự thể hiện nhất quán của tư tưởng, đạo đức vì dân, vì nước, như người từng khẳng định 5 điểm đạo đức mà người đảng viên, cán bộ phải giữ gìn cho đúng, đó là: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân; ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng; vô luận trong hoàn cảnh nào cũng quyết tâm chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu; vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết; hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng.

Trong quá trình hoạt động lãnh đạo cách mạng, khi thực hiện hoặc họp bàn về công việc, Người luôn tạo ra không khí thảo luận sôi nổi, hồ hởi, khuyến khích mọi người hăng hái phát biểu và Người chăm chú lắng nghe. Người thường vạch ra những tệ nạn làm việc không tập thể, không dân chủ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho “Nội bộ của Đảng âm u”, Uuất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản”, cấp trên, cấp dưới cách nhau, quần chúng xã rời cán bộ, đảng viên…

Khi bàn về cách làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt” với một số cán bộ, trong lúc bàn bạc, thảo luận, Người đặt vấn đề “Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên: Bác nói gì, các chú cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm hay làm một cách qua loa” (Trích sách: Hồ Chí Minh toàn tập – 2002).

Sau này, trong nhiều lần khi nói chuyện, trao đổi, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải lắng nghe ý kiến của đảng viên, nhân dân và cả những người “không quan trọng” để nắm vững tình hình, từ đó mới có cách lãnh đạo đúng đắn. Muốn vậy, người lãnh đạo cần đề cao mở rộng dân chủ trong đảng và trong xã hội…, thường xuyên đi xuống cơ sở để lắng nghe ý kiến của cấp dưới và nhân dân chứ không phải để huấn thị. Người yêu cầu “Phải thực sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”, “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến” (Trích sách: Hồ Chí Minh toàn tập – 2002). Bản thân người là một tấm gương mẫu mực về thực hành dân chủ từ việc lớn đến việc nhỏ: Từ việc ra nghị quyết hay dự thảo một văn kiện, viết một bài báo hay bài nói chuyện trình bày trước công chúng… Người đều đưa ra thảo luận dân chủ trong tập thể Bộ Chính trị, tham khảo ý kiến những người xung quanh. Còn nhớ lần về thăm quê, sáng mai nói chuyện với đồng bào, đồng chí, tối hôm trước Bác thức khuya chuẩn bị đề cương bài nói chuyện, sau đó sang trao đổi ý kiến với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đề nghị các đồng chí góp ý để bài phát biểu của Bác đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân trong tỉnh…

Gần dân, lắng nghe ý kiến của dân, tôn trọng ý kiến của dân, thấu hiểu nguyện vọng của quần chúng nhân dân, hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng và suốt đời phục vụ nhân dân là tư tưởng và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vậy, Người sống mãi trong lòng nhân dân.

Thượng tá, TS Hoàng Giang Nam   

Phó Trưởng phòng Công tác Chính trị